Thơ

08/01/2015 14:47
Lượt xem 33242

Chút lòng
Vì thiên về luật Thi nên ngót 40 năm, từ ngày bước chân vào làng thơ, từ năm 1932 cho đến năm 1974, tôi chỉ có được một tập Lục Bát trên trăm bài lấy tên là Nhánh Lục.

Từ Thu 1975 đến Ðông 1977, chuyên về Lục Bát, tôi soạn liên tiếp được hai tập, tập Nửa Rừng Trăng Lạnh và tập Trăng Hoàng Hôn này.

Nguyên nhân sáng tác, dụng ý trong việc mệnh danh và tánh chất dị đồng của hai tập thơ tôi xin trình bày đại lược:

Nửa Rừng Trăng Lạnh gồm thơ từ 6 câu trở lên mượn chữ trong thơ của Kỳ Lệ Xuyên Phương Bá đời Thanh:

Nhất cảnh hiểu phong tầm cựu mộng
Bán lâm hàn nguyệt thất cô thôn
(Một đường gió sớm đi tìm giấc mộng cũ
Nửa rừng trăng lạnh che lấp thôn mồ côi)

Trăng Hoàng Hôn gồm thơ 4 câu mượn chữ trong thơ Lâm Hoà Thịnh đời Tống:
Sơ ảnh hoành tà thuỷ thanh thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.
(Ảnh thưa thớt toả dọc ngang trên dòng nước trong và cạn
Hương kín đáo trôi nổi dưới bóng trăng lúc chiều hôm)

Thơ của cổ nhân vốn không liên quan đến thơ trong hai tập Lục Bát. Mượn chữ đặt tên chỉ mong tỏ chút lòng cùng bạn tương tri tương ái.

Thơ tuy chia làm hai, nhưng hai mà một. Bởi thơ của hai vị Thi Bá, Thanh cũng như Tống đều là thơ vịnh mai và đều là mai dưới nguyệt. Mai ẩn trong nguyệt, nguyệt lồng vào mai. Một tinh thần một cốt cách. Song Mai của Kỳ Lệ Xuyên là mai dưới trăng khuya rừng vắng, trong sáng mà lạnh lùng. Còn Mai của Lâm Hoà Thịnh là mai dưới trăng lúc chiều trời bảng lảng, nhã đạm mà thanh u. Phong vị không đồng mà sắc thái cũng khác, nên một mà hai. Một mà hai, hai mà một. Ðó là chỗ không khác mà khác, khác mà không khác giữa hai tập thơ.

Thơ trong Trăng Hoàng Hôn chỉ là những nét chấm phá lướt qua giấy mỗi khi tâm động ý sanh. Khí cách, thần thái không khác bóng trăng dưới trời chiều, vừa yếu vừa lạt. Lại thêm bị thời cuộc chi phối, tâm hồn tôi không được thanh thản an thư. Chất thơ cũng như giọng thơ do đó không thuần nhất, lắm khi không được trong, không mấy nhuyễn.

Người xưa bảo: “Oanh già không hót, người già không nên làm thơ” Bởi oanh già biết giọng hót của mình không còn thanh tao, thì người già cũng phải biết rằng lời thơ của mình không còn tráng lệ. Nhưng tôi làm thơ không phải để phấn sức tài hoa, mà để ký thác tâm sự, giải thoát ưu tư. Nên miễn sao từ đạt ý là mừng.

Song để khỏi ném đi vì vô vị, mong bạn lòng đừng dừng lại nơi Có mà gắng đi vào chỗ Không. Bạn sẽ gặp mùi ám hương của hoa mai len lỏi trong bóng chiều bảng lảng.

Nha Trang Tiết Xuân Phân
Năm Mậu Ngọ (1978)
Quách Tấn

Nặng tình
Gái thời bến nước mười hai
Mười hai bến chợ làm trai là mình
Dòng đời dù lắm lênh đênh
Con đò xưa vẫn nặng tình cây đa.

Thương mình
Thương mình nặng nghiệp văn chương
Ðã tơ khúc ruột còn sương mái đầu
Mênh mông biển nhuộm màu dâu
Trăm năm thế ấy nghìn thu thế nào?

Tâm sự
Toan vùi đóm lửa văn chương
Dòng trôi tâm sự gió sương lại nhiều
Gương trong dù chẳng nhiễu điều
Vầng trăng cổ độ dẫn triều nước lên.

Lầu khuya
Lầu khuya đã dứt tiếng đàn
Còn nghe đôi cánh hương tàn rụng thu
Phong trần ngấm vị phong lưu
Lòng không trăng nước Giang Châu vẫn buồn.

Tạnh mưa
Mưa rồi trời lại thêm trong
Giàn hoa thiên lý cánh ong dập dìu
Lưa thưa rụng giọt nắng chiều
Áo phơi gió nhẹ ít nhiều hương bay.

Nở hồng
Bụi đường đã vắng ngựa xe
Bức mành rũ thấp còn e gió lồng
Ngồi nhen bếp lửa sưởi lòng
Hoa thơm mấy nụ nở hồng trong sương.

Còn nghe
Hừng đông nối bóng trăng tà
Tiếng chim mát mẻ màu hoa ngọt ngào
Duyên trần đã tỉnh chiêm bao
Còn nghe bước sóng ra vào bến xưa.

Ngại ngùng
Ngại ngùng lửa nắng dầu sương
Nhớ nhau tìm giấc canh trường thăm nhau
Trăng tà hiu hắt gió lau
Thương ai tóc đã bạc màu hoa xuân.

Cúc tháng hai
Canh chầy lòng biết gởi ai
Sân trăng nhìn cúc tháng hai ngậm ngùi
Lạnh lùng tiếng vạc mây trôi
Giếng xưa hắt ánh sao rơi vào thềm.

Ngàn xanh
Ðều trời nửa nắng nửa mưa
Thiu thiu giấc mộng song trưa vừa tàn
Chim non chiu chít gọi đàn
Ngàn xanh ngắm vọi muôn vàn nhớ thương.

Hoa quỳ
Ðổi thay cũng bởi tại trời
Thân mình mình giữ trách người ích chi
Nâng lòng đón ánh tà huy
Vườn quê nghĩ khóm hoa quỳ mà thương.

Thâu đêm
Rằng buồn nghĩ chẳng ích chi
Mà vui cũng chẳng có gì mà vui
Ngoài hiên mưa gió sụt sùi
Củi nhen nửa bếp lửa cười thâu đêm.

Bến xa
Thuyền ai lạnh phiếm trăng thâu
Ðìu hiu lau lách nhạt màu áo xanh
Nước non dệt mộng không thành
Bến xa huyền hạc bay nhanh trở về

Nghẹn ngào
Bạn xưa người mất người xa
Người gần ngó lại ai là bạn thân
Song thơ phủi lớp phong trần
Ngâm câu “xuân thọ mộ vân”(1) nghẹn ngào.

Tuổi già
Tuổi già thêm nặng tình thơ
Nhớ thương người khuất đợi chờ người xa
Lắm đêm tỉnh giấc canh gà
Ðem chồng thơ cũ mở ra ngồi nhìn.

Một tình với thơ
Mái đầu dầu đã hết xanh
Trước sau đời vẫn một tình với thơ
Hiu hiu mạch sống tràn bờ
Mùa hoa nở trọn những giờ say xuân.

Ngọt ngào
Trang lòng phong kín ý thơ
Chòm mai cổ thụ còn chờ chiêm bao
Long lanh giếng mọc đầy sao
Trà chuyên độc ẩm ngọt ngào trăng khuya.

Nghêu ngao
Trước nhà chợ họp lao xao
Dưới hiên nằm hát nghêu ngao một mình
Ai hay gió cũng đa tình
Thổi tường hoa nở cho nhành chim kêu.

Ðọng giọt
Từng hàng mây kéo ra khơi
Sương khuya ướt cánh chim trời về đâu
Bùi ngùi ra đứng sân sau
Nhìn trăng đọng giọt trên tàu chuối non.

Bồi hồi
Tiếng quyên kêu lạnh nắng chiều
Rừng lan hồng hạc tiêu điều khói sương
Bồi hồi ngoảnh lại cố hương
Ngựa ai đủng đỉnh dừng cương giữa đèo.

Ngậm ngùi
Non trăng đã lặng dấu hài
Trải niềm tâm sự sân lài trắng sương
Thương mình chẳng bước tha hương
Lòng nghe sóng vỗ trùng dương ngậm ngùi.

Tiếng địch
Tiết trời vừa mới sang đông
Nối tình ly biệt đầy sông lá vàng
Bến xa tiếng địch mơ màng
Ðưa theo ngọn bấc lòng chàng Tiệm Ly.

Lớp lớp mây giăng
Sân lài ngào ngạt hương đêm
Một mình thơ thẩn bên thềm đợi trăng
Phương trời lớp lớp mây giăng
Tuổi già nghĩ chuyện đấu thăng ngại ngùng.

Mong bớt chua cay
Tuổi già gặp buổi khó khăn
Làm nông thiếu ruộng làm văn trái mùa
Vị đời mong bớt chua cay
Ðêm đêm ngồi lắng chuông chùa điểm sương.

Nửa tin
Hoa sâm đầy giếng nở hồng
Trời mai nắng sưởi giấc nồng song thu
Phấn dồi đôi cánh lãng du
Nửa tin rằng bướm rằng Chu rằng mình.(2)

Gió sen
Mây giăng lớp lớp nhân tình
Tránh đời sao lại ẩn mình trong mây?
Ao nhà một giấc ngủ say
Bình minh trở dậy thuyền đầy gió sen.

Theo bóng
Tìm hoa cánh bướm xuyên rừng
Hiu hiu bụi phấn thơm lừng gió thu
Gió lồng hương trắng bến lau
Bóng chiều theo bóng thuyền câu vào bờ.

Cánh cò
Già càng thương cháu thương con
Lo tìm hạnh phúc mong còn sức lo
Sông sâu gặp buổi không đò
Bâng khuâng ngắm vọi cánh cò lưng mây.

Lệ sáp
Tuổi già ngủ ít nghĩ nhiều
Ðường kia nỗi nọ lắm điều thương tâm
Nỗi niềm mong đợi tri âm
Ðìu hiu lệ sáp ướt dầm trang thơ.

Ngập tràn
Lửa duyên lò nhúm chưa tàn
Sao lòng phong nhã ngập tràn gió sương?
Ân tình gợn sóng tang thương
Lệ hoa rơi rụng vô thường dưới trăng.

Vừa tạnh
Chùa xa vừa tạnh giọt đồng
Tường vi nén lệ nở hồng bình minh
Hương lồng đáy giếng lung linh
Trà mai một hớp ngọt tình cố viên.

Tiếng dương cầm
Dịu dàng trời hảnh nắng mai
Quanh thềm giếng ngọt nở vài hoa sâm
Tay ai thơm ngón dương cầm
Từng đoàn bướm trắng bay tầm mộng xuân.

Thân này
Thân này tuy có mà không
Tuy không mà có trăng trong giữa hồ
Cây rừng lớp lớp vinh khô
Mơ màng tiếng hạc bên hồ Chiêu Vương.

Bến đò năm xưa
Xa nhau lòng chẳng hẹn hò
Nhớ nhau trở lại bến đò năm xưa
Chuồn chuồn mặt nước điểm sưa(3)
Hoa lau nở trắng đôi bờ tịch liêu.

Ðôi én huyền
Canh khuya mưa gió lạnh lùng
Vẳng nghe trước giậu ngập ngừng tiếng ai
Vội vàng khêu ngọn đèn côi
Bay vào cửa hé một đôi én huyền.

Gầy hơi xuân
Lông vàng đôi mái gà tơ
Gà con lông tía sởn sơ một bầy
Trời chiều hiu hắt gió tây
Ôm rơm lót ổ mong gầy hơi xuân

Nhẩy nguồn
Những lo lo chẳng được gì
Những buồn buồn chẳng ích chi mà buồn
Nhẩy sông nhờ nước nhẩy nguồn
Nguồn chưa cạn nước nước còn xuống sông.

Chờ lửa
Ðường trưa nắng những lạnh lùng
Huống đêm mưa gió não nùng xiết bao
Thoi trầm ủ bóng non cao
Nhúm lên chờ lửa ngọt ngào dư hương.

Vấn vương
Tuổi già tưởng được thảnh thơi
Hay đâu bận rộn gấp mười ngày xanh
Chuyện đời tính quẩn lo quanh
Lòng thơ thêm mối chung tình vấn vương.

Thu muộn
Nắng vàng sưởi ấm hiên trưa
Võng gai kẽo kẹt nằm đưa tuổi già
Mây ngàn vọng tiếng chim ca
Dẫu trong thu muộn vẫn là xuân xanh.

Chép thơ
Nghe than “gạo củi hết rồi”
Bên hiên sẻ đậu vẫn ngồi chép thơ
Tay đời đã vụng từ xưa
Học đòi theo nhện giăng tơ ngỡ ngàng.

Ngày tàn
Bạn xưa gát bút cả rồi
Song thơ một bóng mình ngồi ngâm trăng
Ngày tàn thương Ðỗ Thiếu Lăng(4)
Nghìn thu chớp ánh sao băng cuối trời.

Vô tư
Bạn thơ rày chẳng còn ai
Tới lui trò chuyện chỉ vài nhà sư
Chung trà hớp ngụm vô tư
Chia tay nhìn bóng thanh hư gởi lòng.

Một mình
Gặp nhau nửa buổi chuyện trò
Người về am vắng thơm tho gió ngàn
Một mình ngồi tựa lan can
Nhìn đôi chim én cặp làn mây bay.

Nhớ chùa
Nhớ chùa lòng muốn lên thăm
Sườn non đã dốc đá dăm lại nhiều
Lắng tai nghe tiếng chuông chiều
Mặt hồ lặng sóng mây điều bay qua.

Nhớ bạn
Ngoài trời những gió cùng mưa
Bâng khuâng nhớ bạn cửa chùa viết văn
Hoa đèn nở nhuỵ chuông ngân
Từng trang giấy lật hương xuân ngọt ngào.

Mưa nắng
Mưa mai không hẹn nắng chiều
Nắng chiều sưởi ấm cánh diều mắc mưa
Duyên bèo một chuyến đò đưa
Bèo trôi bến cũ vẫn lưa(5) nghĩa đò.

Nhớ chồng
Sáng nay trời hảnh nắng vàng
Ven sông khói biếc từng hàng cò bay
Nhớ chồng đem lúa ra xay
Lòng nghe thổn thức lệ ngày đưa nhau.

Lên đồi Trại Thuỷ
Mênh mông biển lộng sóng dừa
Lên đồi Trại Thuỷ nắng vừa lên cao
Mùi thiền ngấm vị phong tao
Mùa không sen nở vẫn ngào ngạt hương.

Ðưa nhau
Nắng chiều nhuộm thắm ngàn mây
Lưng đồi hoa nở vàng tay ai về
Cửa chiền(6) thơm mát tình quê
Ðưa nhau chiếc lá bồ đề bay theo.

Am mây
Lưng đồi khép cánh am mây
Ðêm đêm lần hạt ngày ngày dịch kinh
Phong lan trước cửa buông mành
Hương trong theo ngọn gió lành bay xa.

Trồng hoa
Hoa không ấm cật no lòng
Người trồng dâu lúa ta trồng hoa thơm
Khi đời ấm áo no cơm
Hái năm ba nhánh vào đơm lục bình.(7)

Duyên lành
Ðã trôi theo ngọn thuỷ triều
Thân bèo chi khỏi ít nhiều lênh đênh
Ðường xa gặp mối duyên lành
Tình tha hương phút trở thành gia hương.

Vô thường
Hoàng hôn chầm chậm xuống gần
Ðồi cao rảo bước thương vần Nghĩa Sơn
Vô thường lá rụng từng cơn
Trời xanh thả mảnh trăng non xuống hồ.

Bên sông
Hơi sương đã lạnh nắng chiều
Con đò vắng khách tiêu điều nước mây
Về rừng từng trận chim bay
Thân cò mòn mỏi tháng ngày bên sông.

Vườn quê
Ngày nay chi khác ngày qua
Ngày mai rồi nữa cũng là ngày nay
Ðầy trời lá rụng sương bay
Vườn quê một khóm mai gầy nở hương.

Non sâu gởi về
Bạn thân lớp trước chẳng còn
Ðồng trang quá nửa mỏi mòn lá thu
Thương mình đơn chiếc bóng dâu
Khóm lan hồ điệp non sâu gởi về.

Vẫn xanh
Từng cơn lá rụng nắng vàng
Gió đôi cổ tháp bay sang xóm chài
Trời cao nhuộm thắm sông dài
Màu xanh nước chảy chảy hoài vẫn xanh.

Rụng nắng chiều
Sen hồ từng trận hương đưa
Chen tầng mây khói lửng lơ cánh diều
Gió ru hồn mộng thiu thiu
Chuông chùa khua rụng nắng chiều đầy non.

Nỗi niềm
Giang Lang tuổi đã về già
Bút đâu còn sức cho hoa thắm màu
Mây ngàn trải ngọn gió lau
Ðôi hàng nhạn trắng chép mau nỗi niềm

Chú thích: (Phần chú thích này không thuộc vào chính văn của tác phẩm, do Trương củng đưa thêm vào)
(1)Xuân thụ mộ vân.春樹暮蕓. Ý nhớ bạn phương xa.
Lấy chữ trong bài “Xuân nhật ức Lý Bạch” 春日憶李白 của Ðỗ Phủ, bài thơ tả lúc Ðỗ Phủ ở Giang Ðông ngày xuân nhớ Lý Bạch ở Vị Bắc.

白也詩無敵, Bạch dã thi vô địch,
飄然思不群. Phiêu nhiên tứ bất quần.
清新庾開府, Thanh tân Dữu khai phủ,
俊逸鮑參軍. Tuấn dật Bào tham quân.
渭北春天樹, Vị bắc xuân thiên thụ,
江東日暮雲. Giang đông nhật mộ vân.
何時一樽酒, Hà thời nhất tôn tửu,
重與細論文. Trùng dữ tế luận văn.

Trần Trọng San dịch
Ngày Xuân Nhớ Lý Bạch
Không có thơ nào hơn Lý Bạch ;
Ý phơi phới nhẹ, chẳng ai bằng .
Thanh tân giống hệt Dữu Khai phủ ,
Tuấn dật như là Bào tham quân .
Vị Bắc cây xuân trời chốn cũ ,
Giang Ðông mây vẫn bóng chiều tàn .
Bao giờ rượu lại cùng nâng chén ,
Câu chuyện văn chương lại được bàn ?

(2) Trang Chu mộng hồ điệp: Trang chu nằm mộng thấy mình hoá bướm, tỉnh dậy không biết tối qua Trang Chu mơ thành bướm, hay sáng nay bướm đang mơ thành Trang Chu, ở đây tác giả tỉnh giấc không biết mình là mình, hay là Trang Chu hay là bướm đang nằm mộng.

(3) Ðiểm sưa: Ðiểm thưa thưa, thỉnh thoảng đáp xuống nước. Sưa là thưa nói trạnh ra. Ca dao: Tiếc công đan giỏ bỏ cà, giỏ sưa cà lọt, công đà uổng công.
(4) Ðỗ Thiếu Lăng: Ðỗ Phủ , Thi hào của Trung hoa đời Ðường
(5) Lưa: còn dư, còn thừa.
(6) Cửa chiền: cửa chùa, như ta thường nói từ kép chùa chiền.
(7) Lục bình: độc bình, bình cắm hoa, viết theo phát âm của người miền Trung

Các tác phẩm khác

Thanh Tịnh (1911-1988) - Tiểu sử và Sự nghiệp Lượt xem: 37080
22/12/2014 10:42
Thanh Tịnh (1911-1988), tên thật là Trần Văn Ninh (6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh), là một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Các bút danh khác của ông là: Thinh Không, Pathé (trước 1945), Thanh Thanh, Trinh Thuần (sau 1945).
Ông sinh ngày 12 tháng 12 năm 1911[1] tại xóm Gia Lạc,ven sông Hương, ngoại ô Huế.
Thanh Tịnh mất ngày 17 tháng 7 năm 1988 tại Hà Nội. Hiện phần mộ ông đặt tại núi Thiên Thai phía Tây thành phố Huế.

Vũ Trọng Phụng (1912-1939) - Tiểu sử và Sự nghiệp Lượt xem: 18925
22/12/2014 10:42
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20 tháng 10 năm 1912, quê ở làng Hảo (nay là thị trấn Bần Yên Nhân), huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng ông lớn lên và mất tại Hà Nội.
Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1939, khi mới 27 tuổi, để lại gia đình còn bà nội, mẹ đẻ, vợ và người con gái chưa đầy 1 tuổi tên là Vũ Mỹ Hằng[13].

Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) - Tiểu sử và Sự nghiệp Lượt xem: 21358
22/12/2014 10:41
Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô.
Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6 tháng 5 năm 1912 trong một gia đình nho giáo ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.
Nguyễn Huy Tưởng mất ngày 25 tháng 7 năm 1960 tại Hà Nội.

Hàn Mạc Tử (1912-1940) - Tiểu sử và Sự nghiệp Lượt xem: 26148
22/12/2014 10:41
Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh 22 tháng 9, 1912 – mất 11 tháng 11, 1940) là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn.[1]
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình; lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình theo đạo Công giáo, ông được rửa tội tại Nhà thờ Tam Tòa với tên thánh là Phanxicô.
Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn vào nhà thương Quy Hòa (20 tháng 9 năm 1940) mang số bệnh nhân 1.134 và từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11 tháng 11 năm 1940 tại nhà thương này vì chứng bệnh kiết lỵ,[4] khi mới bước sang tuổi 28.[5].

Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) - Tiểu sử và Sự nghiệp Lượt xem: 19377
22/12/2014 10:41
Nguyễn Nhược Pháp, (sinh ngày 12 tháng 12 năm 1914, mất ngày 19 tháng 11 năm 1938), là một nhà thơ Việt Nam.
Nguyễn Nhược Pháp sinh tại Hà Nội[1}. Ông mất năm 24 tuổi tại Hà nội do bệnh thương hàn.

Vũ Ngọc Phan (1902-1987) - Tiểu sử và Sự nghiệp Lượt xem: 21636
22/12/2014 10:41
Vũ Ngọc Phan (1902-1987) là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học hiện đại và văn học dân gian Việt Nam. Trong những năm đầu cầm bút, ông còn có bút danh là Chỉ Qua Thị.
Vũ Ngọc Phan sinh ngày 8 tháng 9 năm 1902 tại Hà Nội. Nguyên quán là làng Đông Lão, xã Đông Cửu, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh [1], nay thuộc Hà Nội.

Trần Huyền Trân (1913-1989) - Tiểu sử và Sự nghiệp Lượt xem: 19916
22/12/2014 10:41
Trần Huyền Trân (1913-1989), tên thật Trần Đình Kim, là một nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam
Trần Huyền Trân sinh ngày 13 tháng 9 năm 1913 tại Hà Nội. Ông tham gia phong trào Thơ mới.
Ông mất ngày 22 tháng 4 năm 1989 tại Hà Nội.

Lưu Trọng Lư (1911-1991) - Tiểu sử và Sự nghiệp Lượt xem: 30939
22/12/2014 10:40
Lưu Trọng Lư (19 tháng 6 năm 1911 – 10 tháng 8 năm 1991), là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam.
Lưu Trọng Lư là người làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Năm 1991, Lưu Trọng Lư mất tại Hà Nội.

Nam Cao (1915-1951) - Tiểu sử và Sự nghiệp Lượt xem: 28711
22/12/2014 10:40
Nam Cao (1917-1951) là một nhà văn hiện thực lớn (trước Cách Mạng), một nhà báo kháng chiến (sau Cách Mạng), một trong những văn sĩ tiêu biểu nhất thế kỷ 20 của Việt Nam.
Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri (có nguồn ghi là Trần Hữu Trí[1]), sinh năm 1915, nhưng theo giấy khai sinh ghi thì là ngày 29 tháng 10 năm 1917.[cần dẫn nguồn] Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.[2]
Trên đường đi công tác, ông bị quân Pháp phục kích và bắn chết vào ngày 28 tháng 11 năm 1951 (30 tháng Mười âm lịch), tại Hoàng Đan (Ninh Bình).[1] [4]

Bích Khê (1916-1946) - Tiểu sử và Sự nghiệp Lượt xem: 23195
22/12/2014 10:40
Bích Khê (1916-1946), tên thật là Lê Quang Lương; là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam thời tiền chiến. Ngoài bút hiệu Bích Khê, ông còn ký bút hiệu Lê Mộng Thu khi sáng tác thơ Đường luật.
Bích Khê sinh ngày 24 tháng 3 năm 1916 tại xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là con thứ chín trong một gia đình nho học yêu nước.
Ngày 17 tháng 1 năm 1946, Bích Khê lìa bỏ cõi đời và cõi thơ tại Thu Xà lúc 30 tuổi.

Hiển thị 161 - 170 tin trong 2309 kết quả