- Nếu cậu tin những chuyện sau đây là thật thì tớ cũng coi như một người đã chết - anh ta nói.
Chúng tôi tựa lưng vào tường ngục sưởi nắng. Viên coi tù Darưpoócxôn chắp tay sau đít đi qua mặt chúng tôi ra vẻ muốn nói rằng hai tay hắn đã đắp lên những ngọn đồi kia.
- Thế thì ai mới là người sống? Cái gì chả thế - tôi đáp - cậu phải cảm ơn trời đất mới phải. Có những người còn cơ cực hơn chúng ta nhiều ấy chứ. Thôi vui lên, còn cái xác là may rồi!
- Ðâu có thế, ông bạn, - anh ta phản đối - không còn ai có thể cơ cực hơn được. Phải khẳng định là tớ đã không còn tồn tại nữa. Bây giờ thậm chí tớ cũng không thể giải thích cho cậu được... Cậu có nhìn thấy tớ thật, nhưng cái đó chẳng nghĩa lí gì: tớ vẫn cứ là đã chết rồi, tớ không còn tồn tại. Ðầu tiên tớ biết là tớ không còn nữa vào lúc tớ 12 tuổi. Trước đó ở quê tớ không có trường công. Năm đó nhà nước công bố bảng chữ cái và những nhà có học ở quê tớ quyết định phải đưa con vào trường công. Bố tớ tự cho mình là người có học thức nên cũng muốn tớ vào đó. Thế rồi ông ấy cầm tay tớ dắt đi. Ông hiệu trưởng đòi bố tớ cho xem giấy khai sinh của tớ.
- Chúng tôi chưa khai cho cháu - bố tớ nói - hay ông lấy giấy của tôi vậy!
Tất nhiên là không được. Ở trường Ðavuđa Khôđji, học trò học chữ cũ, không cần khai sinh.
Bố tớ cứ muốn tớ học trường mới...
Phải cầu cứu đến người làm đơn thuê ngồi trước phòng thị chính. Sau đó cầm đơn vào phòng khai sinh... Một thầy ký nhận đơn, rồi rút ra những sổ sách gì gì, sau đó lục mãi mới thấy phần ghi về bố tớ.
- Ông là Rêsít? - người ấy hỏi.
- Dạ phải - bố tớ đáp.
Thầy ký lần sách đọc những số liệu về bố tớ:
- Năm sinh 1897... quận Ðêghimentep phố Tavaxbaga, số nhà cũ là 51, mới là 28... Năm 1911 lấy vợ là Khađgiê. Sinh con trai là Êmin. Phải vậy không?
- Ðúng ạ - bố tớ đáp - Tôi muốn làm giấy khai sinh cho thằng cháu Êmin. Tôi định cho cháu vào học trường công. Trước đây người ta không đòi khai sinh.
Thầy ký nghi hoặc nhìn bố tớ:
- Cha nội ơi, khai sinh nào cơ? Con ông chết lâu rồi còn gì!
- Ấy chết, ngài nói vậy! - bố tớ sửng sốt - Cháu nó đây, nó đang đứng cạnh tôi mà.
Thầy đọc lại mấy hàng trong sổ:
- Ông là Rêsít?
- Ðúng, Rêsít.
- Bố ông tên là Mêmét?
- Ðúng, điều ấy cũng đúng.
- Ông lấy vợ tên là Khađgiê, sinh con tên là Êmin.
- Hoàn toàn đúng. Ðích thực là vậy. Và bây giờ tôi muốn khai sinh cho thằng cháu Êmin ấy đây.
- Thế là thế nào? Mọi cái đều đúng, mà riêng chuyện thằng Êmin chết thì lại sai? Sổ ghi là nó chết, mà người chết thì làm sao lấy giấy khai sinh được nữa.
Tớ khóc oà lên.
- Nín đi - bố tớ quát - Có phải sổ ghi chết là mình phải chết đâu mà sợ.
- Nhưng thầy ký bảo con đã chết rồi, hu...hu...!
- Kệ thầy ấy. Cứ nghe bố nói là đúng.
- Sổ đã ghi là không có bao giờ sai - thầy ký lý sự - đã ghi là y như thực. Ông có mưu gì chăng. Tôi không làm đâu. Không ai đi cấp khai sinh cho người chết rồi.
- Mưu gì là thế nào kia ạ? - bố tớ rụt rè hỏi.
- Nhà các ông bao giờ cũng lắm chuyện lắm - thầy ký đáp - ông muốn mặc cả với người nhà nước đòi người chết ra người sống hả? Tráo trở thật.
- Vậy xin hỏi, cháu nó chết ngày giờ nào ạ? - Bố tớ hỏi thêm.
Thầy ký liếc sổ:
- Ðại chiến thứ nhất nó bị đi lính. Năm 1915 hi sinh ở Tranacal. Nó được xoá sổ vì có giấy báo tử của đơn vị số 331/85.
Bố tớ nổi đoá:
- Bẩm ông, ông nghe đây, ông xem lại sổ xem, tôi lấy vợ năm 1911 cơ mà.
- Phải - thầy ký đáp - có ghi : ông lấy vợ năm 1911.
- Thế cứ cho rằng con trai tôi sinh vào ngày cưới tôi đi, thì năm 1915 nó mới có 4 tuổi. Làm sao trẻ con 4 tuổi lại đi lính và chết trận được.
Thầy ký bối rối, lão nhìn tớ, nhìn sổ, rồi nhìn bố tớ, rồi lại nhìn sổ, cuối cùng kết luận:
- Thằng Êmin nhà ông sinh năm 1896. Vậy là khi chết nó 19 tuổi.
- Con tôi sinh năm 1896? - bố tớ hỏi lại - Thánh Ala phù hộ cho ông, thế còn tôi sinh năm nào, ông xem lại sổ xem.
Thầy ký xem sổ.
- Ông sinh năm 1897. - lão nói.
- Ông ơi, ông chớ có nói rằng hoá ra tôi lại sinh sau con tôi một năm cơ đấy?
Mấy thầy ký khác cùng phòng bước lại, nhưng không ai biết đằng nào mà lần.
- Sổ đã ký như thế thì chịu - thầy ký của tớ bảo thế - Tất nhiên, là có khiếm khuyết gì đây, nhưng chưa biết chỗ nào?
- Thưa các thầy - bố tớ bảo các thầy ký - có thầy nào ở đây đẻ sau con mình không?
Một thầy sửng cồ:
- Ðừng lôi cổ bố người khác vào chuyện của mình. Người chết chúng tôi không cấp khai sinh, thế thôi!
Bố con tớ lên chỗ ông trưởng phòng khai sinh kể lại đầu đuôi. Ông trưởng phòng theo bố con tớ xuống chỗ mấy cuốn sổ cái. Hai bên cùng xem lại hồ sơ.
- Ðúng hết - ông trưởng phòng nói - Sổ đã ghi thế. Con ông hy sinh năm 1915 - Rồi ông lại ra chiều suy nghĩ, cuối cùng lại dứt khoát - Hẳn là thế. Vợ ông nhiều tuổi hơn ông. Ðúng là ông đã lấy một quả phụ. Bà có con riêng tên là Êmin. Thằng con ghẻ Êmin của ông hơn ông một tuổi, nhưng, sổ vẫn ghi cho ông là bố.
Tớ khóc rống lên.
- Im đi, con - bố tớ giận dữ nói - Ai là người biết rõ bố của con, ta hay là sổ?
Ngài trưởng phòng kính cẩn nói:
- Sao ông nói lạ thế? Rành rành đây còn gì nữa!
Dù bố tớ không biết đọc biết viết nhưng ông không thuộc hạng người dễ dàng đầu hàng.
- Khađgiê, con gái ông Bêkia, sinh năm 1904 - ông trưởng phòng đọc trong sổ.
- Vậy theo ông - bố tớ nói - vợ tôi sinh năm 1904, còn thẳng con Êmin của bà ấy sinh năm 1896, phải vậy chứ gì? Ông nghe tôi nói này, có bao giờ ông thấy con ra đời trước mẹ nó 8 năm không?
Theo cuốn sổ ấy thì tớ sinh trước bố tớ một năm và trước mẹ tớ tám năm. Mẹ tớ lấy bố tớ năm lên 8 tuổi và sinh ra tớ 15 năm rồi mới đến hôn lễ.
Các thầy ký và ông trưởng phòng xúm quanh cuốn sổ, thảy đều cúi đầu trầm tư mặc tưởng. Bỗng ông trưởng phòng nghĩ ra:
- Hẳn là thế này: trước đó bà Khađgiê đã lấy 1 đời chồng, người chồng ấy có 1 đứa con riêng tên là Êmin. Ðứa con ghẻ ấy của bà Khađgiê hơn bà 8 tuổi. Chồng chết, bà không bỏ rơi cậu nghĩa nam kia mà vẫn nuôi nó khi lấy ông Rêsít. Thấy chưa, thằng Êmin hơn mẹ kế nó 8 tuổi và hơn bố dượng nó 1 tuổi.
- Ðúng thế - thầy ký của chúng tớ nói - chỉ có thể là như vậy.
- Quỷ thật! - bố tớ phát cáu - Lại còn thế nữa! Vợ tôi lấy tôi năm lên 8 tuổi, mà trước đó lại còn 1 đời chồng nữa?
- Hẳn chứ - ông trưởng phòng nói - làm sao khác được? Nếu nhà ông giải nghĩa được đúng hơn, xin mời!
Tớ lại khóc.
- Làm gì mà gào lên thế con - bố tớ an ủi - Thôi, vào trường Ðavađa Khôđji mà học, thế là xong.
Nhiều năm sau, lúc tớ lớn lên, lại có chuyện.
Các cậu có thể tin được rằng người ta bắt tớ vào lính hay không? Vì tớ chết rồi cơ mà. Tớ đã chết ở Tranacal rồi. Làm sao người chết còn đánh nhau được? Nhưng bố con tớ không làm sao cho họ hiểu ra. Bọn cảnh sát tóm được tớ dẫn đến bàn tuyển quân. Bố tớ cũng đi theo.
- Bẩm ngài, trong sổ đã có mục khai tử cho nó rồi đấy ạ. Cháu nó có đâu. Nếu nó sống thật thì nó đã được cấp giấy khai sinh.
Bố tớ chưa kịp nói hết câu, lão trưởng ban đã gào lên:
- Sao, nhà ông muốn giấu thằng này khỏi quân dịch à?
Tớ bị đưa về đơn vị ngay tút suỵt. Thực ra, tớ cũng mừng. Như thế nghĩa là tớ vẫn còn sống. Tốt quá. Rồi đến lúc mãn hạn. Bạn bè tớ được giải ngũ, còn tớ không được cấp giấy cho về. Làm sao lại cho một thằng như tớ xuất ngũ được? Muốn xuất ngũ phải có giấy nhập ngũ đã chứ. Mà tớ lại không có cái giấy ấy. Ðơn vị tớ người ta gửi lên ban quân ngũ xin giấy cho tớ. Chưa đầy một tháng có giấy báo về : "Người mà các anh đòi xin giấy đã hy sinh năm 1938 khi thi hành quân lệnh trong chiến dịch Ðécxim."
- Người ta nhầm đấy - tôi nói với ngài sĩ quan chỉ huy đại đội - không phải tôi chết ở Ðécxim, mà là ở Tranacal cơ. Tốt nhất là ngài hỏi về phòng khai sinh, ở đấy có đủ số liệu.
Tớ đã tốn bao nhiêu công sức để đi chứng minh rằng mình vẫn còn sống. Không chứng minh thế, không giải ngũ được. Cuối cùng người ta cấp cho tớ một tờ giấy in nói rằng tớ đã mãn hạn quân dịch và được thả về.
Ðến nhà, tớ mới hay rằng bố tớ đã chết, nhưng ông ấy còn một món nợ ngân hàng 5000 đồng vào 2000 đồng thuế nhà nước chưa trả. Mà tớ lại là kẻ nối dõi tông đường duy nhất, tớ đành phải gánh nợ. Mấy ông phán sở tái chính không cho tớ một phút nào yên tĩnh.
- Các ông ơi, tôi có còn sống đâu! Ông nào không tin cứ đến phòng quân vụ mà hỏi. Ðến đấy chưa tin xin hỏi tiếp đến phòng khai sinh. Người chết làm sao trả nợ thay bố?
- Thế anh không phải là con trai ông Rêsít hay sao? Anh định trốn nợ cha đấy hả?
- Không, tôi nào có trốn. Nhưng tôi chết thật rồi mà...
Chà! Giải thích thế nào được! "Muốn sao thì sao anh cũng phải trả nợ cho cha!" Tớ đã định bụng không trả, nhưng bọn họ nói rằng còn nợ thì chưa được thừa kế gia sản. Bố tớ lại còn một ít ruộng, một nhà ở và một cửa hàng. Tớ bèn vay tiền trả nợ. Tớ nghĩ, được hưởng gia tài rồi tớ sẽ trả hết. Lúc trả nợ thậm chí tớ còn thấy vui trong bụng. Ít ra khi trả nợ người ta cũng còn cảm thấy được rằng người ta còn sống. Nhưng đến cái khoản gia tài thì lại khắc hẳn! Làm sao chứng minh được rằng tớ là con bố tớ? Lại phải khai sinh! "Nhà anh chết rồi, sao còn thừa kế được gia tài? Mà anh còn chết trước bố anh nữa ấy chứ."
- Người ta tuyên bố với tớ như vậy. Thế là tớ lại không chứng minh được rằng tớ còn sống. Tớ bảo họ: "Thôi được, thế bây giờ tôi có đứng trước mặt các ngài hay không? Các ngài có nhìn thấy tôi hay không đấy? Ðứng trước mặt các ngài là người thật hay tượng gỗ? Tôi có tòng quân không? Có trả nợ không?"
- Những cái đó chẳng có nghĩa lý gì - họ bảo - Trước pháp luật anh là kẻ chết.
- Nhưng tôi đã chết đâu - tớ cãi.
- Không chết, nhưng liệt hạng chết!
Tớ đâm đơn ra toà. Tớ thuê thầy cãi. Trước tòa, luật gia bộ tài chính phản bác tớ. Vì đại diện cho quyền lợi ngân khố quốc gia, lão ta khẳng định rằng một khi bố tớ đã không có người thừa kế thì tài sản kia phải nộp ngân khố. Lão cứ khăng khăng một lẽ: người thừa kế đã chết. Trạng sư của tớ nói rằng tớ sống, còn lão ta thì rằng tớ chết. Cứ thế cãi nhau tùm lum. Luật gia bộ tài chính đưa ra những giấy tờ hợp thức đến nỗi suýt nữa tớ cũng phải đồng ý và thừa nhận rằng tớ chết thật rồi.
Vụ kiện kéo dài 2 năm. Không có giấy khai sinh tớ không xin đâu được việc làm. Nợ nần ngập cổ, một hôm tớ điên đầu lên và nói lảm nhảm những gì không nhớ. Tớ bị bắt và bị tống ngục. Tớ bảo: Này các người, sao lại bắt tôi? Tôi chết rồi mà! Làm sao còn bắt người chết?
- Anh bạn ơi! Người chết thì sao lại nói được? Tán như ranh mà kêu là chết rồi!
Các cậu thấy không? Bị vào tù, tớ lại thấy vui là khác. Ít ra trong lòng tớ còn loé lên một niềm tin rằng tớ vẫn sống.
Ra tù tớ lại thấy buồn vì mình chẳng được hưởng cái gia tài kia. Các chủ nợ bắt đầu thúc ép. Tớ phủi tay chuồn đi Xtămbun, nhưng vẫn không được đi làm. Ở đó tớ gặp một cô gái và định cưới. Nhưng cưới sao được khi phòng khai sinh chỉ cho giấy khai tử? Tớ đành sống ngoại hôn với nàng. Nhưng lấy gì mà sống? Tớ đành tìm một người đứng tên để mở cửa hàng. Tớ là người chết thì sao làm được chủ tiệm. Ðược một năm thì người đứng tên cuỗm tiền của tớ chuồn mất. Tớ phải nộp thuế. Tớ tuyên bố rằng tớ chết rồi, nhưng ma nào tin.
Làm thế nào được? Tớ đành đi ăn cắp. Bị tóm, tớ bảo rằng: "Trước pháp luật tôi là người chết.", nhưng không ai thèm nghe. Người chết mà lại ăn cắp được! Ðã ăn cắp được nghĩa là vẫn sống. Sự thể thế đấy: mày muốn đi học, người ta bảo mày chết rồi, lúc có quân dịch mày là người sống, lúc cần giải ngũ - lại chết, trả nợ cho bố thì sống, còn hưởng gia tài - mày có sống đâu, nhưng cần bỏ tù thì mày lại sống.
Tớ cũng vui vì lại vào tù. Dù sao bây giờ trước mắt mọi người tớ cũng hiện hữu, mặc dầu chính thức thì đã là chết. Nhưng tớ còn 4 đứa con, chúng không ra sống cũng chẳng ra chết; trước pháp luật chúng chưa ra đời. Bố chúng không có thì sao chúng ra đời được?... Thôi, còn 3 ngày nữa tớ ra tù rồi, tớ sẽ lại không còn sống trước pháp luật nữa.
Viên cai ngục nâng còi lên miệng.
Tù nhân dạo chơi phải vào khám, chúng tôi cũng đứng lên.
- Cậu ạ - anh ta nói - trước pháp luật chúng ta không sống, nhưng dẫu chúng ta có sống phỏng đã ích gì? Cái chính là làm sao đất nước hùng cường phải không? Quê ta vạn tuế. Còn chúng ta, chúng ta không sống chăng, cũng được.
Nụ hôn và ly dị
Lượt xem: 4244
16/12/2014 20:10
Người vợ ngượng nghịu nhìn tránh đi. Chị cũng thấy rõ mặc dù chị hôn là tại ông chủ nhà hàng xuất hiện, nhưng nụ hôn của chị không hoàn toàn giả tạo. Ông chủ nhà hàng đã dẫn đám thực khách đi rồi, mà môi chị vẫn chưa rời khỏi môi anh...
Đôi găng
Lượt xem: 4583
16/12/2014 20:07
Ngốc quá! Em không thấy cái cách lão ấy nhìn anh à? Lão ta biết tất, kể cả việc anh chơi bài mỗi tối thứ bảy. Rõ ràng hắn đến đây để do thám. Đồ giả dối! Hắn đã theo dõi kỹ càng xung quanh và không có gì có thể lọt khỏi mắt hắn. Ôi! Cái thời đại này thật kỳ quặc!
Tên Hămđi biệt hiệu Con voi đã bị bắt như thế nào?
Lượt xem: 4082
16/12/2014 20:06
Phúc đáp bức điện số... ngày... Quận chúng tôi đã bắt giữ được 14 tên Hămđi, cả 14 tên đều mặc quần áo kẻ sọc, tám tên có răng nanh bịt vàng. Vậy yêu cầu Sở cho biết con số đó đã đủ chưa, hay còn phải tiếp tục tìm thêm?
Thư gởi ông Trời
Lượt xem: 3799
16/12/2014 20:03
Gởi Ông Trời: Số tiền con xin Ông Trời, chỉ có bảy đồng Peso đến tay con mà thôi. Xin Ông Trời gởi cho con phần còn lại, vì con đang cần số tiền này lắm lắm. Nhưng Ông Trời đừng gởi qua đường bưu điện nữa, vì cái đám nhân viên bưu điện là một đám lưu manh!
Lên giá đến nơi rồi
Lượt xem: 3606
16/12/2014 20:02
Nếu nghe lời kẻ quen thuộc thì nhà tôi phải thành kho thực phẩm, còn tôi thì thuê khách sạn mà trú. "Bác phải tìm nơi tích trữ...", "Không phải một vài cân, mà là mấy bao mấy thùng, mấy bịch". Sáng danh Đức Ala, tôi làm gì có tiền! Tôi chỉ chạy được một cân dầu ôliu, ba bánh xà phòng, một gói trà, một cân đường thôi.
Nghĩa vụ đối với Tổ quốc
Lượt xem: 3453
16/12/2014 20:01
Tóm lại là suốt 15 ngày tôi cứ đi moi hết vị này đến vị khác trong đoàn... Tôi làm việc như một nhà phẫu thuật lành nghề. Nói thật chứ, giá tôi có lấy mất một lá phổi của những anh chàng đù đờ này thì có lẽ họ cũng chẳng hay biết gì...
Tội đồ bất đắc dĩ
Lượt xem: 3738
16/12/2014 19:58
Chiếc ô tô buýt chật ních người. Nhưng giữa đám người chen chúc ấy vẫn nổi bật lên một vị khách mà thoáng trông cũng biết ngay là đi nhầm xe. Chỗ của ông ta lẽ ra là trong xe cấp cứu mới phải. Vì tay trái ông ta bị buộc treo lên vai bằng một dây vải trắng, đầu thì băng bó chằng chịt, một mắt thì sưng húp lên...
Secmenđi sinh ngày nào?
Lượt xem: 3526
16/12/2014 19:57
Ðúng là thời buổi bây giờ, không nói gì đến hạng dân thường, mà ngay cả những người có học cũng chẳng anh nào quan tâm gì đến khoa học cả! Nhà bác học này có cống hiến rất lớn cho nền lịch sử văn học nước ta đấy, vì ông ta đã tìm ra một ngày quan trọng...
Vì sao mèo cúp đuôi chạy?
Lượt xem: 3479
16/12/2014 19:55
Con người dù sao cũng khôn ngoan, biết cách trở về trạng thái bình tĩnh. Nhưng còn chú mèo? Chú nhảy bổ đi mất như hoá dại. Liệu rồi chú có lấy lại được bình tĩnh hay không? Điều ấy đến bây giờ tôi vẫn chưa dám chắc.
Phải hét thật to
Lượt xem: 4315
16/12/2014 19:52
Trước đây tôi đã vài lần được xem đấu vật, và tôi biết các võ sĩ có quyền hét thật to để tự chấn an và uy hiếp tinh thần của đối phương. Tôi còn biết làm gì được? Tôi cố làm bộ mặt thật dữ tợn, vỗ tay vào đùi đen đét và ra sức gào thật to đến đau quặn cả bụng. Tôi thấy đối thủ của tôi hơi lùi lại...
Hiển thị 11 - 20 tin trong 64 kết quả