Rau đắng

16/12/2014 19:52
Lượt xem 4315
Aziz Nesin

Ngoài phố hai người đang đánh nhau - một người thì im lặng, một người ra sức hét thật to. Một đám đông những kẻ vô công rồi nghề bâu xung quanh. Có một người nói:
- Trong lúc đánh nhau thì cái chính là phải hét thật to! Tôi ngoảnh lại để nhìn con người am hiểu ấy. Trước mặt tôi là một gã còm nhỏm còm nhom.

- Qua kinh nhiệm bản thân, tôi biết - anh ta kết thúc nhận xét của mình.

Chúng tôi tách ra khỏi đám đông đang vây quanh cuộc đánh nhau và cùng sóng đôi đi. Anh bạn đồng hành tôi kể:
Có một hồi tôi làm việc ở một thị trấn nhỏ trong một tỉnh nọ, nhưng đến kỳ nghỉ phép thì tôi về Xtămbun. Mỗi năm tôi để dành được hơn hai nghìn. Vào ngày nghỉ phép cuối cùng tôi quen được một cô gái rất xinh. Nhưng thời gian để đi chơi, tán tỉnh không còn nữa, nên tôi đi vào đề ngay. Tôi hỏi cô ta: "Cô có muốn lấy tôi không?" Lập tức chẳng đắn đo, cô ta ôm choàng lấy cổ tôi đáp: "Trời ơi, anh thân yêu! Cả đời em chỉ mơ ước có anh!"

Để chứng tỏ cho cô ta thấy trong người tôi không có dị tật gì, tôi rủ cô ta ra bãi biển. Chúng tôi vào thay quần áo, phòng tôi và phòng cô ta bên cạnh nhau. Sau khi thay xong, tôi bước ra thì không thấy cô ta đâu. Tôi ngó hết phòng này đến phòng khác đều không thấy. Cùng với vợ chưa cưới, tiền bạc của tôi cũng... bốc hơi luôn. Bây giờ đi tìm cô ta, tôi nghĩ, thì về nhà sẽ muộn. Cơ quan không ai chờ tôi cả, tôi sẽ bị mất việc.

Số tiền lẻ trong ví chỉ đủ đi được nửa đường. Tôi xuống một ga xép, bụng đói lả, trong túi không còn đủ tiền để mua chiếc bánh mì vòng. Mà trước mắt còn đi bộ hai ngày nữa. Làm thế nào để sống được hai ngày nữa bây giờ. Chẳng biết làm gì, tôi đành thất thểu lên đường, hướng về thị trấn của mình. Tôi cứ cắm đầu đi, đường dài vô tận, trời nắng như đổ lửa. Vừa đói vừa mệt, hai chân tôi lảo đảo như muốn khuỵu, mắt bắt đầu nảy đom đóm. Bốn bề xung quanh không có một ngọn cây nào, trong khi đó cả đói cả mệt đã làm tôi kiệt sức.

Tôi cố lê bước. Bỗng nhìn thấy ở đằng xa có một cái cây không biết là lê hay táo. "Cây gì thì cây, tôi nghĩ, cùng lắm thì cũng nhai lá". Khoảng cách chỉ độ trăm bước mà sao tôi thấy như xa đến hàng trăm kilômét. Cuối cùng tôi cũng lê được đến nơi, hoá ra là cây mận. Quả của nó dường như bị héo quắt đi vì nắng. Chỉ có một lớp vỏ mỏng dính bao quanh hột! Hơn nữa cũng chẳng có nhiều, nên chỉ một loáng tôi đã thanh toán xong hết cả. Gần đấy có một dòng nước nhỏ, tôi nằm xuống làm ngay một tợp. Nhưng nước có vị gì đăng đắng. Uống no nê xong, lạy thánh Ala, cơn khát đã hết, tôi lại tiếp tục lên đường. Nửa giờ sau tôi đến một ngôi làng.

Cạnh quán cafe có vòi phun nước, mấy ông già đang ngồi. Một người trong số họ niềm nở bảo tôi "Xin chào người khách bộ hành! Chẳng hay ông muốn uống nước sạch và mát không?"

"Cám ơn các bác, tôi vừa uống ở dòng sông bên kia rồi". Ông già nhìn tôi lộ rõ vẻ kinh ngạc: Con sông nào? Chả lẽ bụng ông không tốt hay sao? Nước con sông ấy là nước chữa bệnh đấy, nó có tác dụng đẩy ruột ra tốt, dù cho ông lấy nút chai bịt lại nó vẫn bị bật ra, sức nó mạnh lắm!"

Tôi chưa kịp nghe nói hết câu thì đã thấy bụng sôi ùng ục, chỉ còn biết thều thào hai chữ "Ala", rồi rẽ vào bụi cây gần đó, vừa đi vừa tụt quần.

Sau đó, trong lúc đi trên đường và khi đã vào đến làng, cứ 15 phút, tôi lại phải nghỉ để làm cái "việc" ấy.

Tôi cố lê chân đi tiếp. Cuối cùng thì đến một quả đồi, dưới chân đồi lại bắt đầu một làng khác. Tôi thấy trên một bãi đất rộng người ngồi chật ních. Có tiếng kèn đồng vang kêu lên.

Sau đó cả đám đông quay về phía tôi. Tôi vừa đứng vừa dậm chân, chỉ muốn chạy vào một bụi cây, nhưng mọi người đã vây lấy tôi và hô to: "Nhiệt liệt chào mừng nhà vô địch đáng kính!" Họ kính cẩn đỡ tôi dẫn đi và mọi người đồng thanh hô lớn "Nhà vô địch.. Đại lực sĩ!..."

Đúng lúc tôi lại bắt đầu... mót! Không cần giữ ý gì nữa "Xin lỗi" Tôi bảo họ rồi ôm bụng chạy vào sàn nhà thờ.

Cả làng đã tập chung trên một bãi đất rộng. Lúc tôi trở lại, có hai người tiến lại gần tôi và trịnh trọng tuyên bố: "Người thắng cuộc sẽ được một con bê!".

Tôi nhìn họ mà không hiểu gì hết. Trong lúc đó ở rìa bãi người ta đã đốt lửa và đang nướng cừu. Mùi thịt nướng mà làm tôi ứa nước miếng.

"Thưa lực sĩ khi nào ngài bắt đầu?"

"Sao, tục lệ của các bác là như vậy à? tôi hỏi, -Nghĩa là người nào đến làng các bác thì phải đấu vật à?"

"Ôi, sao ngài lại giễu cợt chúng tôi thế, thưa nhà vô địch? Chẳng lẽ chúng tôi không mời ngài đến hôm nay hay sao?"

Trời đất ơi! Thật là trớ trêu! Nếu tôi thú thật tôi chẳng phải nhà vô địch gì hết, thì họ sẽ không cho tôi ăn! Còn vật nhau thì có thể thắng, mà cũng có thể thua.. Cứ cầm cự một lúc, cùng lắm thì nằm bò ra vậy,- cốt sao được người ta cho phép!...

Đầu tiên tôi từ chối: "Nhưng tôi không có quần áo..." Vừa nói đến đây, bụng tôi lại sôi lên sùng sục, tôi lại ôm bụng chạy...

Khi trở lại, tôi thấy người ta đã mang ra cả đống quần áo võ sĩ vật cho tôi chọn. Mấy con cừu lúc đó đã vàng ươm trông thật hấp dẫn...

"Tại sao nhà vô địch cứ chốc chốc lại chạy ra sau thế nhỉ?" tôi nghe thấy tiếng xì xào trong đám đông. "Có lẽ để bôi mỡ...", "Nhưng đô vật quái gì mà còm nhom như muỗi thế?...", "Người ngợm thế thì vật quái gì được?..", "Này, đừng nói thế. Võ sĩ đâu chỉ căn cứ vào bề ngoài..."

Tôi mặc thử một bộ, rộng thùng thình không còn trông thấy người đâu. Bộ thứ hai, tuy cũng rộng nhưng dù sao vẫn còn giữ được, không bị tụt. Tôi chẳng đắn đo gì thêm.

Trống bắt đâu thúc, kèn rúc to hơn. Và liền đó tôi nhìn thấy đối thủ của mình: chao ôi, sao hắn to con làm vậy! Tôi đứng chỉ cao hơn đầu gối hắn một tí...

Trước đây tôi đã vài lần được xem đấu vật, và tôi biết các võ sĩ có quyền hét thật to để tự chấn an và uy hiếp tinh thần của đối phương. Tôi còn biết làm gì được? Tôi cố làm bộ mặt thật dữ tợn, vỗ tay vào đùi đen đét và ra sức gào thật to đến đau quặn cả bụng. Tôi thấy đối thủ của tôi hơi lùi lại. Tôi cứ tiến thì anh ta lại lùi. Thành thử chúng tôi đi vòng quanh bãi, nhưng không tiến sát hẳn vào nhau.

"Coi chừng đây!!!", tôi hét vỡ cả giọng, vừa hét vừa vỗ vào hông kêu đen đét.

"Kìa, xem kìa, đô vật của chúng ta sợ rồi, đang chạy cuống cả lên kia!", "chứ sao! Hắn ta mà tóm được tay thì cứ gọi là bẻ gẫy ngay! úi giời, trông tay hắn ta kìa! Vỗ đùi mới khiếp làm sao! Đúng là đại lực sĩ!"

Thực ra tôi chỉ muốn tiến sát đối thủ để nói với anh ta rằng: "Anh ta đừng để ý tiếng la hét của tôi. Anh cứ ôm lấy tôi đi, tôi sẽ tự ngã ra đất. Vì tôi biết tôi không thể nào địch với anh ta được..." Nhưng anh chàng càng thấy tôi đến gần thì càng giật lùi để tránh. "Coi chư-ư-ừ-ng!!", tôi lại gào lên và nhận thấy vẻ kinh hoàng trên mặt anh ta. Vừa lúc đó luýnh quýnh thế nào tôi va phải mạng sườn anh ta suýt ngã bổ chửng. "Này, anh bạn...", tôi chỉ kịp nói khẽ với anh ta mấy câu.

Nhưng anh ta đã run cầm cập, rồi chính anh ta lắp bắp nói nhỏ với tôi: "Thưa nhà vô địch kính mến. Xin ngài đừng làm nhục tôi trước dân làng. Oai danh của ngài lừng lẫy... Xin ngài đừng làm tôi bị què quặt. Tôi không thể địch được với ngài, nhưng ở đây tôi là người khoẻ nhất, nên mọi người bắt tôi phải ra đấu..."

Bị va mạnh, bụng tôi lại bắt đầu sôi ùng ục. "Thôi được, anh nằm xuống đi, tôi khẽ rít lên rồi lại ra sức hét thật to: Ta sẽ bẻ g-â-â-ẫ-y xư-ư-ơ-ơ-ng!...". Anh chàng sợ quá nằm ngay xuống, tôi lập tức ngã bịch lên người anh ta, rồi chồm dậy ngay, khó khăn lắm tôi mới "nhịn" được cho đến khi vào tới sân nhà thờ...

Tôi quay lại, người lảo đảo vì kiệt sức. Anh chàng đối thủ hôn tay tôi, không biết từ đâu người ta dắt đến một con bê non kêu "nghé ọ". Mọi người mang rượu đến chúc mừng tôi. Tôi uống xong một cốc cảm thấy người khoẻ hẳn hơn một chút. Tôi đưa mắt liếc nhìn xem chỗ người ta nướng thịt cừu ra sao...

Chúng tôi chưa kịp ngồi vào chiếu thì trên đồi bỗng xuất hiện bóng một người cưỡi ngựa. Một phút sau anh ta đã phóng đến chỗ tôi: không phải một người thường nữa mà là một người khổng lồ!

"Sao chưa thi đấu gì mà các vị đã đánh chén thế này?"- "Cuộc đấu kết thúc rồi." - "Sao lại kết thúc rồi? Chả lẽ không phải các vị mời tôi đến hay sao. Tôi là nhà vô địch vật Iuxup Akiôpu đây!"

Tôi cảm thấy đau nhói trong tim. "Xin lỗi các vị, tôi ra đây một phút..." Nhưng anh chàng đối thủ ban nãy vừa hôn tay tôi đã kịp túm lấy cổ áo tôi lôi xềnh xệch, lấy chân đá túi bụi vào người tôi.

Tôi cứ ôm bụng lạy van người ta thả tôi ra, dù chỉ một phút thôi. Mãi sau tôi vùng thoát được, nhưng không chạy kịp vào sân nhà thờ nữa...

Vì thế tôi mới bảo - khi đánh nhau, cái chính là phải làm đối phương sợ, phải hét thật to... Còn nếu hét cũng không ăn thua, thì tốt nhất là ngồi im lặng trong bụi cây, chớ thò mặt ra ngoài!...

Các tác phẩm khác

Bữa ăn trưa Lượt xem: 2828
16/12/2014 17:09
Lúc hóa đơn đưa ra, tôi trả tiền xong, chỉ còn có ba francs, không đủ để thưởng cho người hầu bàn, nên để nguyên ba francs trên khay, không nói gì. Bà ta nhìn số tiền thưởng ít ỏi đó một lát. Tôi biết chắc là bà ta nghĩ rằng tôi hà tiện, bủn xỉn. Nhưng đâu biết cả

Chuyện rắn Lượt xem: 2519
16/12/2014 17:07
Có một bài học rút ra từ chuyện chẳng đâu vào đâu này - tôi dạy thằng con - là một người mạnh mẽ, cứng rắn cần phải đứng lên để tranh luận chống lại những thông tin lệch lạc của những kẻ bảo thủ và chưa được giáo dục đầy đủ.

Những điều trớ trêu của kỹ thuật Lượt xem: 2374
16/12/2014 17:05
Họ ngấm ngầm chế tạo tại các xưởng máy của họ những chiếc ô tô, máy thu thanh, máy kéo và xe vận tải theo các sơ đồ và bản vẽ bí mật. Họ che dấu toàn thế giới việc sản xuất của họ. Người Thổ, những kẻ có sức mạnh xưa nay ai cũng biết, đã dùng quả búa nện để trị máy kéo, dùng nước tiểu đối với ô tô buýt...

Hãy quên tất cả những gì các em đã học Lượt xem: 2356
16/12/2014 17:04
Sau khi đi đi lại lại trên bục một hồi, bỗng ông cất cao giọng nói với chúng tôi: "Các em, như vậy chúng ta phải quên hết những gì các em đã học cho đến ngày hôm qua. Thầy sẽ dạy lại các em từ đầu tất cả. Các em có hiểu không? Thế là rõ chứ?"...

Kiến trúc sư... đã xây nên Châu Mỹ Lượt xem: 1818
16/12/2014 17:00
Bị bắt quả tang, cô giáo xấu hổ đỏ bừng mặt. Chúng tôi cứ tưởng ông thanh tra sẽ đòi hỏi học sinh giải toán trước khi chép thơ. Ai ngờ... do vô tình, ông ấy đã thay đổi thứ tự công việc và thế là Chengis sa bẫy, trở thành nạn nhân khốn khổ của ông thanh tra.

Có làm thì mới có ăn... Lượt xem: 2277
16/12/2014 16:56
Ba mẹ nói thiệt đi, chăm chỉ hay lười biếng là tốt? Tại sao mọi người vẫn chê ông Zeinel lười biếng. Chính ba và mấy chú vẫn bảo ông ta ngu, thộn, đầu bò đấy thôi. Thế mà ông ta có nhà máy, cửa hàng, công ty,... rồi xe hơi, nhà lầu nữa... Con ông ấy cũng lại dốt nát, ngu đần không chịu học hành gì cả...

Tôi không ngờ em lại như vậy... Lượt xem: 2661
16/12/2014 16:53
Thế là theo sự tính toán chi tiết của Osman, thầy giáo phải bỏ ra mỗi ngày hơn 11 giờ đồng hồ để chấm cho xong bài kiểm tra của lớp tôi. Ngay cả khi thầy bỏ không ngủ, thầy cũng không có đủ thời giờ để làm hết việc. Sau khi nghe Osman giảng giải, cả lũ chúng tôi im lặng không nói được gì.

Vì sao tôi không trở thành nhà văn Lượt xem: 2177
16/12/2014 16:50
Bạn có thể tưởng tượng là tôi đau khổ đến thế nào. Sau đó, tôi kết luận là người thời nay sẽ không hiểu được văn chương cao siêu của tôi, nên tôi sẽ không chấp nhất với họ làm gì. Tôi quay sang làm thơ....

Cái kính Lượt xem: 2641
16/12/2014 16:49
Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học!

Hâm lại chất lãng mạn Lượt xem: 2086
16/12/2014 16:46
Một trong những vấn đề lớn của hôn nhân và hạnh phúc gia đình hiện nay là chất lãng mạn đã biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta. Ấy thế mà bạn tôi đã giải quyết thành công được vấn đề này...

Hiển thị 31 - 40 tin trong 44 kết quả