Rau đắng

Aziz Nesin

Ankara 7.12.1963

Acmét,

Tôi rất mừng là bạn đã không để tôi phải buồn vì thiếu tin tức. Đọc thư bạn cười muốn chết luôn, gớm chỗ bạn lắm chuyện buồn cười thế! Không biết bạn có phóng đại những chuyện ở đó lên nhiều không đấy? Tôi rất thích cách viết thư của bạn và tôi sẽ cố gắng để viết được như bạn.

Vừa qua ở chỗ chúng tôi trong lớp học cũng xảy ra một chuyện tức cười. Không phải trong giờ học đâu mà trong giờ ra chơi kia, chúng tôi được bữa cười thỏa thích. Nhưng thầy giáo lại chẳng vừa lòng chút nào về câu chuyện này. Tôi chả muốn bạn nghĩ rằng tôi bắt chước bạn. Nhưng sự việc nó vậy... Tôi sẽ cố gắng kể đầy đủ những điều đã xảy ra.

Đầu tiên tôi sẽ giới thiệu nhân vật chính của câu chuyện này. Trong số các bạn cùng lớp tôi hiện nay có một đứa tên là Osman, đó là một trong số những học trò giỏi nhất của lớp tôi. Đặc biệt nó rất giỏi về môn toán. Hơn nữa, nó còn là một cậu bé rất ngăn nắp, cẩn thận. Trong cặp của nó có đủ các loại viết chì màu, cái nào cũng đã được chuốt nhọn hoắc. Tôi rất ngạc nhiên tại sao Osman giữ được tất cả số viết chì đó không bị gãy. Viết chì của tôi thì lúc nào cũng bị rơi và khi tôi nhặt lên thì... ôi thôi, đầu chì đã gãy mất rồi. Thỉnh thoảng khi muốn viết gì đó, tôi lại phải gọt chì, chứ làm gì có sẵn. Thế mà tôi lại còn hơn chị tôi kia đấy. Trong cặp chị tôi chẳng có một cây viết chì nào để mà chuốt nữa kia. Bài tập trong vở của Osman nhìn mà thích mắt. Các phần quan trọng, các công thức, định nghĩa đều được gạch đít hoặc đóng khung bằng chì màu, cứ như tranh vẽ ấy. Còn chữ của nó thì thật là đẹp, tròn trịa, sạch sẽ như những hạt ngọc vậy. Thầy giáo đã khen ngợi nó nhiều lần và nêu gương đó cho chúng tôi học tập. Tôi cũng thử bắt chước nó nhưng nào có ra gì, tập của tôi trở nên như mặt quỷ ấy. Không biết thầy giáo của bạn thế nào, chứ thầy giáo của tôi, mỗi ngày chúng tôi phải làm một bài kiểm tra, thế rồi hai ngày lại có một bài tập về nhà. Tất cả phải nộp cho thầy xem và cho điểm.

Một hôm, Osman bảo chúng tôi:
- Này các bạn, tôi không tin là thầy giáo chấm được hết các bài làm của chúng ta.

Tôi lập tức phản đối:
- Hừ, thế không chấm thì thầy giáo kiểm tra chúng ta làm gì, hả?

Osman bảo vệ ý kiến của nó:
- Tao không tin là thầy chấm bài.

Một đứa bạn cũng về phe với tôi:
- Tại sao mày nghĩ là thầy giáo không đọc các bài làm của chúng ta?

Osman rất bình tĩnh và trả lời rành rọt:
- Đơn giản thôi, với tao việc này đã rõ như ban ngày. Này nhé, chúng ta hãy làm một con tính nhỏ: Thầy cho chúng ta mỗi ngày một bài kiểm tra, phải không?

- Đúng rồi! - Tôi đồng ý.

- Và cứ hai ngày một bài tập về nhà chứ gì?

- Ừ, đúng đấy! - Tất cả đồng ý với nó.

- Thế lớp ta có bao nhiêu học sinh? Năm mươi hai cả thảy chứ gì? - Osman hỏi chúng tôi với giọng kẻ cả.

- Đúng rồi! - Chúng tôi lại đồng ý với nó.

- Vậy thì thầy giáo mỗi ngày phải đọc 52 bài kiểm tra. Nếu kể cả bài tập về nhà, tính trung bình là 25 đi, tổng số là 77 bài phải xem trong một ngày, mà ngày nào cũng vậy nhé! Tớ tự hỏi thầy lấy đâu ra thời gian để đọc hết số đó.

- Cậu nói thế là thế nào?

- Thì các cậu cứ tính mà xem. Đọc một bài kiểm tra của chúng mình hết mấy phút. Mà không phải đọc không, còn xem có sai không, rồi có đứa chữ xấu, có đứa còn sai lỗi chính tả nữa...

Thế là theo sự tính toán chi tiết của Osman, thầy giáo phải bỏ ra mỗi ngày hơn 11 giờ đồng hồ để chấm cho xong bài kiểm tra của lớp tôi. Ngay cả khi thầy bỏ không ngủ, thầy cũng không có đủ thời giờ để làm hết việc. Sau khi nghe Osman giảng giải, cả lũ chúng tôi im lặng không nói được gì.

- Nhưng mà thầy vẫn chấm bài - Tôi bướng bỉnh nói.

- Tất nhiên! Tớ có nói không đâu. Nhưng mà thầy chỉ chấm một hai bài gì đó thôi. Thầy sẽ chọn một số bài bất kỳ để chỉ xem cho biết, còn chủ yếu thầy dựa vào phán xét của thầy về sức học của học sinh trong lớp để cho điểm...

Sau cuộc tranh luận đó, một đứa bạn gái bảo với tôi:
- Có lẽ Osman nói có lý đấy!

Bạn đó kể rằng nhà nó ở gần nhà thầy giáo. Một hôm, sáng ra khi đi học, thấy có mấy tờ giấy bay trên mặt đường, nó nhặt một tờ giấy ngay dưới chân lên xem thì thấy chính là bài kiểm tra của bạn ấy viết trước một ngày. Các tờ giấy bay ra từ thùng rác nhà thầy giáo. Bạn ấy đưa cho tôi xem bài kiểm tra đã bị nhàu nát, bẩn thỉu để chứng minh cho lời nói.

Tôi vặn lại ngay:
- Osman không đúng đâu! Sau khi chấm bài xong, bạn bảo thầy không vứt đi thì để làm gì, giữ lại để làm kỷ niệm chắc?

Osman ngồi cạnh nói sang:
- Sẽ có cách kiểm tra xem thầy có chấm bài không? Tôi sẽ chứng minh cho các bạn thấy.

- Cậu làm thế nào kiểm tra được?

- Tôi sẽ nói cho các bạn biết sau. - Osman trả lời dứt khoát.

Hôm đó, trong bài kiểm tra thầy ra cho chúng tôi một số câu hỏi như sau: "Những người như thế nào được gọi là Đêtêđa, Nisanchi, Bâylêbây, Axêmiôlan(*)? Hãy mô tả thời kỳ hưng thịnh của vua Ihơrahim."

Ra chơi, Osman đã kể cho chúng tôi nghe cậu ta làm bài kiểm tra như thế nào. Theo cậu ấy nói thì sau vài dòng đầu trả lời đúng và rất nghiêm chỉnh, cậu ta bắt đầu viết nhăng như dưới dạng một bức thư bắt đầu như sau:

"Kính thưa chú Ihơrahim bị điên của cháu..."

Cuối bài kiểm tra cậu bạn ngỗ nghịch của chúng tôi viết:
- Bâylebây là một làng ở Bôpho.
- Đêtêđa là người không có vở học.
- Nisanchi là tên tôi đặt cho Cêtin học lớp tôi. Cậu bạn của chúng tôi mắt hơi lé. Khi đá bóng, muốn nhắm vào khung thành thì nó lại đá chệch ra 2m vỡ kính cửa sổ lớp...
- Axêmiôlan cũng là tên hiệu của Riga ở lớp tôi. Cậu này ít thông minh nên chẳng bao giờ được điểm tốt. Có khi những trò chơi thông thường nó cũng không biết.

Nghe Osman kể, trong sân trường, cả lũ đã cười lăn cười bò ra. Riêng tôi không tin là Osman lại dám viết như vậy vào bài để nộp cho thầy. Chắc nó đùa cợt vậy cho vui thôi. Nhưng Osman lại có vẻ lo lắng, bồn chồn. Hình như nó hơi sợ thì phải. Hai ba ngày sau nó còn có vẻ chẳng yên tâm. Nhưng mãi không thấy thầy giáo nói gì, dần dần nó đã trở lại bình thường.

Theo Osman nói thì trong ngày hôm ấy, tất cả các bài kiểm tra viết nó đều làm theo kiểu đó. Mấy dòng đầu viết nghiêm chỉnh đúng theo sách để thầy có xem qua thì cũng không biết, còn sau đó nó bắt đầu viết nhăng viết cuội...

Hôm qua, ngay giờ đầu tiên, chúng tôi đã được thấy Osman không đùa, mà nó đã làm thật. Nhưng vì thế mà tai họa cũng giáng xuống đầu nó...

Thầy giáo đến lớp hơi muộn, nhưng mặt mày có vẻ giận dữ điều gì. Bình thường đầu giờ thầy rất vui vẻ, tính tình dễ dãi thoải mái chứ không như thế. Ông chào lại chúng tôi gắt gỏng như đang mắng chúng tôi vậy. Để cặp xuống bàn xong, ông đi thẳng xuống chỗ Osman và ra lệnh:
- Osman, em lên đây!

Osman đã có vẻ run, nó rón rén theo thầy lên bục giảng, thầy nói với cả lớp giọng nghiêm trang:
- Các em, cách đây vài hôm thầy có cho các em làm một bài kiểm tra về khoa học tự nhiên. Bây giờ bạn Osman của các em sẽ đọc cho cả lớp nghe bài viết của em ấy.

Osman chợt đỏ bừng mặt như quả gấc chín. Thầy giáo đưa cho nó tờ giấy và ra lệnh rất gay gắt:
- Đọc đi, em đọc hết cho tôi! Đọc cả câu hỏi nữa.

Osman lúng túng nhưng đành phải đọc:
- Câu hỏi thứ nhất: "Gió là gì? Gió sinh ra thế nào?" Trả lời: "Một khối không khí được đốt nóng sẽ nở rộng thể tích, trở nên nhẹ hơn và bốc lên cao..."

Đến đó nó ngừng lại. Thầy giáo nóng nảy bắt nó phải đọc tiếp:
- Tiếp tục đi, tôi bảo em đọc tiếp cho hết đi!

Osman đọc giọng không mấy trôi chảy:
- ... không khí bốc lên cao... bốc lên cao... gió... gió...

Nó ngắc ngứ mãi đoạn này không sao đọc tiếp được. Thầy giáo lại quát lên, giận dữ:
- Tiếp đi! Gió làm sao?

Osman ở vào thế cùng rồi:
- Gió thổi ngược chiều sau của đội Galatasaray. Các cầu thủ của đội bóng đá này mặc dù chơi ngược chiều gió, trong hiệp nhất họ đã chơi một trận thật hay. Cuộc chiến đấu để giành lấy bóng đặc biệt sôi nổi ở khu trung tuyến. Đội bóng đá Ankaragu không biết áp dụng chiến thuật bảo vệ khung thành hữu hiệu, đã phải rời sân cỏ với tỉ số thua 1-2. Hiệp hai, nhờ lợi gió, hàng tiền đạo đội Galatasaray đã lấn sân đối phương như một cơn gió lốc". Câu hỏi thứ hai: "Bão là gì?" Trả lời: "Bão là gió rất mạnh, thổi với vận tốc 20m/giây. Các cầu thủ đội Galatasaray hôm nay đúng là một cơn bão thật sự trên sân vận động Mithatpasa. Tiếc rằng trọng tài không điều khiển tốt trận đấu. Ông đã thổi phạt đền 11 mét cho đội Ankaragu trong một pha bóng không được rõ ràng lắm. Chính vì vậy, ông đã bị khán giả la ó, huýt sáo phản đối rất dữ dội..."

Nghe Osman đọc, chúng tôi cố gắng lắm mới giữ được khỏi bật cười. Tuy thế, vẫn có mấy đứa khoái quá cười lên hô hố. Osman bắt đầu rung rẩy, nó sắp phát khóc lên... Thầy giáo chất vấn nó rất gay gắt:
- Osman, vì sao mà em lại làm ăn như vậy?

Cậu bé đáng thương mặt quay vào tường, ràn rụa nước mắt im lặng không dám mở miệng.

- Thế mà tôi cứ tưởng em là một trò giỏi đấy! Tôi không ngờ em lại làm như vậy. Thôi, về chỗ!

Thật lòng, tôi mừng thầm là mình đúng và Osman đã được một phen sáng mắt. Nó lại dám qua mặt thầy giáo. Lúc ra chơi, tôi nói với nó vẻ đắc thắng:
- Nào, thấy chưa, giờ thì cậu bảo sao? Thầy giáo có đọc và chấm hết các bài kiểm tra không?

Nhưng...

Tối hôm đó, một bà bạn cũ của mẹ tôi đến chơi nhà. Đây là lần đầu tiên tôi gặp bác ấy. Sau khi biết tôi học trường nào, lớp nào, ai dạy... bác ấy vui vẻ nói:
- A, cháu học ông giáo ấy à. Thế thì thầy giáo cháu là bạn của hai bác.

Sau đó bác ấy kể cho mẹ tôi nghe một chuyện:
"Hôm trước, tôi đến chơi nhà thầy giáo cháu. Thấy trên bàn có một đống cao bài làm kiểm tra của học sinh, tôi tò mò hỏi: "Anh làm sao có đủ thời giờ đọc hết từng này bài viết của lũ trẻ?". Ông ấy khoe: "Cũng chẳng cần phải đọc hết đâu chị ạ! Tôi có những học sinh rất giỏi. Chị có muốn đọc một bài trong số đó không?". Nói rồi, ông ấy chọn cho tôi một bài trong đống giấy ấy. Đúng là một bài làm trình bày rất đẹp, chữ viết ngay ngắn, sạch sẽ, các chỗ quan trọng đều được gạch bằng viết chì màu. Đề bài hỏi về gió. Khi đọc hết trang giấy tôi rất ngạc nhiên. Học sinh đó bàn về bóng đá giữa đội Galatasaray và Ankaragu như một nhà bình luận sành sỏi, đôi lúc lại thêm chuyện gió mây vào. Tôi buồn cười quá không nhịn được, tôi cười phá lên. Ông bạn tôi cũng ngạc nhiên hỏi: "Chị cười gì nhỉ? Có gì đáng cười đâu ?". Tôi không trả lời, đưa lại bài đó để ông đọc. Ái chà chà, ông ấy giận tím mặt lại. Ông lắc đầu: "Thật không ngờ nó lại làm cái trò đó. Đây là một trong những học sinh giỏi nhất của tôi đấy!"

oOo

Rốt cuộc, thế mà Osman lại đúng. Tôi cũng không ngờ thầy giáo tôi lại làm như thế, kể cũng hơi buồn.

Đó, thế là tôi đã kể hết câu chuyện xảy ra ở lớp tôi cho bạn nghe rồi. Trước khi dừng bút, chúc bạn sức khỏe. Mong bạn viết nhiều cho tôi các tin tức về những bạn cũ còn ở Istanbun.

Zeynep

(Trích trong tập "Con cái chúng ta giỏi thật")
Các tác phẩm khác

Vì sao tôi không trở thành nhà văn Lượt xem: 2176
16/12/2014 16:50
Bạn có thể tưởng tượng là tôi đau khổ đến thế nào. Sau đó, tôi kết luận là người thời nay sẽ không hiểu được văn chương cao siêu của tôi, nên tôi sẽ không chấp nhất với họ làm gì. Tôi quay sang làm thơ....

Cái kính Lượt xem: 2639
16/12/2014 16:49
Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học!

Hâm lại chất lãng mạn Lượt xem: 2086
16/12/2014 16:46
Một trong những vấn đề lớn của hôn nhân và hạnh phúc gia đình hiện nay là chất lãng mạn đã biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta. Ấy thế mà bạn tôi đã giải quyết thành công được vấn đề này...

Chiếc gương kỳ diệu Lượt xem: 2031
16/12/2014 16:45
Suốt đêm hôm đó trong thành phố đâu đâu cũng vang lên tiếng kính vỡ. Người ta thi nhau bỏ gương vào cối mà giã. Sáng ra những người phu hốt rác sửng sốt trước một cảnh tượng chưa từng thấy: khắp nơi nhà nào cũng ngổn ngang những đống gương vỡ, phố xá thì tràn ngập bụi kính.

Thiên đường và địa ngục Lượt xem: 2178
16/12/2014 16:42
Tôi lập tức bay theo. Tôi cảm thấy ở cái chốn thiên đường này bề ngoài thì sạch bên trong lại bẩn hơn rác rưởi. Tôi thà sống tiếp những ngày địa ngục ở thùng rác còn hơn! Cái thiên đường này bẩn đến mức loài ruồi cũng không muốn lưu lại một giây một phút!

Có nên làm bác sỹ không con ? Lượt xem: 1398
16/12/2014 16:39
Chúng ta thiếu thầy thuốc là thế, nhưng một số người vẫn phải chạy sang Âu, sang Mỹ kiếm ăn! Thì ra có những nhà thông thái nửa mùa của chúng ta muốn rằng các bác sĩ trẻ học ở nước ngoài trở về trước hết phải qua một kỳ sát hạch rồi mới được hành nghề...

Những bí mật của tình yêu Lượt xem: 5430
07/11/2014 11:13
Anh đừng lo - Vụ phó Lai-ôx nói - Tôi và vợ tôi đằng nào cũng không có chương trình vào tối nay. Thậm chí còn nghĩ mãi xem có việc để làm cho đỡ buồn không. Như vậy, chúng tôi sẽ trông con cho anh chị.