Mầm ươm

Ký ức là nhật ký mà tất cả chúng ta mang theo quanh mình. (Oscar Wilde)

TTO - Tôi đặt chiếc ghi-ta bên cạnh mình trên băng ghế ở công viên và nhìn chăm chăm vào dòng Detroit cuồn cuộn chảy qua. Ba tuần nữa là đám cưới của Susan. Con bé muốn tôi viết một ca khúc cho buổi lễ. Lòng tôi chùng xuống. Tôi đã nghĩ con gái thường có khuynh hướng kết hôn với những gã giống như bố của chúng. Rich và tôi lại chẳng có gì giống nhau hết.

Lực của tôi không thể đọ với Rich. Thằng nhóc đã dám chọn học ở MSU (Đại học Bang Michigan) hơn hẳn ngôi trường U of M (Đại học thành phố Michigan) mà tôi đã học. Nhưng lời bào chữa của Susan là gì chứ? Làm sao đứa con gái đầu lòng cực kỳ ngoan cố của tôi lại có thể phải lòng cái thằng đó? Tôi cầm cây ghi-ta lên và bập bùng bản “Kẻ phản bội.”

Tôi nhớ lần đầu tiên Susan đưa Rich về nhà. Tôi đã bấu chặt ngực mình và chỉ vào chiếc áo lạnh cộc tay của con bé.

“Chẳng có gì đâu bố,” con bé nhanh nhảu giải thích, kiểm tra cái logo MSU trên ngực nó. “Con lạnh, chỉ thế thôi. Rich cho con mượn áo của anh ấy.”

Ngay lập tức tôi chộp lấy chiếc áo khoác cộc tay U of M ưa thích của mình.

“Đây nè, công chúa.” Tôi vừa nói vừa mở cái áo ra. “Cái này sẽ giữ ấm cho con.” Con bé nhìn Rich và nhún vai tỏ vẻ xin lỗi.

Sau đó tôi dẫn mọi người vào bếp. Trong khi họ tham quan, tôi lén cất ngay mấy cái tô đựng bánh snack của vợ và thay thế bằng những chén đĩa dành cho tiệc tùng của mình. Lát sau, tôi nghe thấy Mare lặng lẽ kiếm chén đĩa của nàng. Cuối cùng, nàng chịu thua và bắt đầu đổ bánh quy xoắn và khoai tây rán vào mấy cái tô của tôi rồi đặt phịch chúng xuống ngay trước mặt tôi. Tôi chẳng cần phải nhìn lên mà vẫn cảm thấy được Susan và mẹ nó đang nhìn mình với ánh mắt hình viên đạn. Rich chỉ cười khúc khích.

Cuối cùng, hai đứa chúng nó phải đi. Tôi cười qua kẽ răng khi thấy cái nhãn rất kêu “MSU” được đính vào chiếc Ford Explorer của thằng nhỏ đó.

“Anh không tin. Nó không chỉ học đại học của Bang Michigan, mà còn lái chiếc Ford ư.”

Mare nói nàng không nghĩ thằng nhỏ có ý nghĩa gì cả qua chuyện đó. Có thể cậu ta không có những thứ đó, nhưng Susan là đứa rất hiểu chuyện mà. Chính những đồng lương tôi có được từ công ty General Motors đã giúp trang trải chi phí học đại học của con bé đó chứ.

Vài tháng sau, Susan gọi điện nói Rich cho con bé mượn vài thứ đồ đạc. Tôi có thể giúp chuyển đồ không ư? Rich hả? Trời ơi! Tôi không ngờ con gái tôi vẫn còn quen với thằng nhóc đó.

“Chắc chắn rồi.” Tôi đồng ý.

“Tuyệt vời, Rich sẽ rất cảm kích cánh tay vạm vỡ của bố đấy.”

Tôi cười và gồng cơ bắp lên khi cúp điện thoại. Là cha của 5 cô con gái, tôi là chuyên gia chuyển dời và sắp đặt mọi thứ. Tôi sẽ cho Rich thấy vài chiêu.

Ngày di chuyển đồ đạc là một ngày mưa và oi bức, và tôi cảm thấy lờ đờ uể oải. Vậy mà Rich lại háo hức muốn bắt đầu ngay. Thằng nhóc chất những chiếc thùng trên đôi vai lực lưỡng của mình và bước một lần hai bước một. Bày đặt!

Khi mọi việc đã xong, Rich mời chúng tôi đến nhà mình chơi. Tôi cau mày khi thằng nhóc phục vụ nước uống trong những chiếc ly sang trọng dùng cho tiệc tùng. Nếu không phải vì quá khát thì tôi đã từ chối từ lâu rồi.

Trên đường về, tôi cố moi thông tin từ vợ. “Vậy thằng Rich với con bé Susan là sao thế? Chúng nó nghiêm túc đấy chứ?”

“Susan nói chúng nó là bạn nghiêm túc đấy.” Tôi có thể thấy vợ mình đang lảng tránh.

“Thế thằng Rich nói gì?”, tôi chất vấn.

Vợ tôi bắt đầu rền rĩ. “Thì nó bảo nó muốn biết con đường đến trái tim Susan. Nó nói nó yêu con bé nhà mình.”

Tôi im lặng suốt 3 tiếng đồng hồ còn lại cho đến khi về tới nhà. Cái tên địch thủ MSU tinh quái đó đã yêu nàng công chúa đầu lòng quý giá của chúng tôi, đứa bé xinh đẹp nhất trong nhà bảo sanh.

Vài tháng sau, thằng nhỏ ngỏ ý muốn lấy con gái tôi, và con bé đã nói, “Vâng”. Khi con bé về nhà báo tin, tôi biết mình đã mất cô con gái bé nhỏ về tay tên MSU rồi.

Năm tháng trôi đi khi tôi ôm chặt cây đàn ghi-ta và khẽ gảy nhẹ một hợp âm. Bất chợt, tôi nhớ lại những ngày đầu tiên Susan đi nhà trẻ.

“Bố sẵn sàng chưa ạ?” Con bé hỏi khi nhảy cẫng vào chiếc xe Buick Skylark 1972 màu xanh lam cũ kỹ của chúng tôi.

“Sẵn sàng, thưa Công chúa!” Tôi vừa nói và hôn lên trán con bé và ném chiếc cặp đựng tài liệu xuống dưới chân cô nhóc. Chúng tôi dừng xe lại ba lần để đón mấy đứa nhóc bạn của con bé đi học chung. “Các con cứ nói chuyện đi,” tôi nói với chúng. Chúng nhìn qua cửa sổ xe một cách căng thẳng.

Susan lấy trong túi xách ra chiếc băng cát-xét. “Bố ơi, bố cho chúng con nghe cái này được không ạ?”

“Được chứ.” Đó là một bài hát về chiếc rương của Noah. Susan ngâm nga theo, Jimmy thì không ngừng đạp chân lên lưng ghế của tôi, hai nhóc còn lại lắc lư đầu. Chẳng mấy chốc, tất cả chúng tôi đều bị cuốn vào điệu nhạc, “Ễnh ương và bươm bướm, cả hai lại hồi sinh!”

Một cơn gió lạnh buốt thổi đến từ chiếc tàu chạy ngang sông kéo tôi ra khỏi chốn mơ màng. Nhờ ký ức đó mà lời bài hát cho lễ cưới của Susan cuối cùng đã hiện ra.

Ba tuần sau, nghệ sỹ dương cầm bắt đầu đánh khúc nhạc cưới. Susan ngước nhìn tôi với đôi mắt xanh mọng nước và thì thầm, “Bố sẵn sàng chưa ạ?” Tôi kéo đôi vai đang run rẩy của con gái nép vào vai mình và dẫn con bé về phía cổng chào đang mở rộng. Ánh đèn nhấp nháy, mọi người cùng đứng dậy vỗ tay chúc mừng khi bố con tôi bước xuống lối đi. Tôi liếc qua để trấn an con gái, nhưng ánh mắt của con bé đã bị cài chặt vào Rich rồi.

Tại bàn thờ Chúa, vị mục sư hỏi, “Ai trao người phụ nữ này cho cuộc hôn nhân này?” Cả nhà thờ im lặng đến mức bạn có thể nghe thấy tiếng nến nổ lách tách. “Mẹ cô ta và tôi,” tôi nói một cách tự hào, như thể tôi vừa mới trao gởi một món quà vô giá.

Tôi cầm lấy cây ghi-ta và cất tiếng hát. Đến đoạn cuối cùng, tôi bắt đầu nghẹn giọng.

Bởi vì, giống như ễnh ương và bươm bướm và cách chúng sống hai cuộc đời khác nhau,

Cô gái nhỏ vui chơi, một ngày kia lớn khôn, với trái tim hóa thành nguời vợ.

Tại sảnh tiếp tân lớn cỡ sân vận động, Susan vội thay một bộ váy cưới khác. Cuối cùng, ánh đèn được vặn dịu bớt khi người điều khiển chương trình thông báo tiết mục nhảy của bố và con gái. Tôi không thể tin vào tai mình. “Bài ca ễnh ương và bươm bướm!” Tôi xoay con gái một vòng và con bé đập đập “hai cánh”, rồi chúng tôi nhảy lên ở phần chú ếch phóng lên thềm hoa huệ tây. Và sau đó, như thời thơ ấu của con bé, bản khiêu vũ kết thúc quá sớm.

Sau cùng, Rich bắt tay tôi và cám ơn tôi vì đám cưới này - và vì Susan, món quà quý báu hơn tất cả. Đột nhiên tôi nhận ra rằng, có lẽ tôi và Rich cũng đâu quá khác nhau. Có lẽ rốt cuộc Susan cũng đã lấy được một gã giống như bố con bé.

Nếu Thượng đế có thể biến nòng nọc thành ễnh ương và các cô gái nhỏ thành những bà vợ, thì chắc là thằng nhỏ cũng có thể thay đổi được tôi. Thôi được, tôi có thể không bao giờ cổ vũ cho MSU, nhưng tôi sẽ luôn ở bên ủng hộ Rich và Susan bất cứ lúc nào.

JOE STRUBE
Các tác phẩm khác

Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười Lượt xem: 2012
16/12/2014 14:23
Bố tôi là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, ông đã từng phẫu thuật cho rất nhiều người, có những người rất bình thường, có những người nổi tiếng, có những người giàu có và cả những người nghèo. Có người nhiều năm sau vẫn đến cảm ơn cha tôi vào những ngày lễ tết, có những người không bao giờ gặp lại...

Chiếc túi màu nâu Lượt xem: 2226
16/12/2014 14:22
Sáng nào, trước khi cha đi làm, cô bé cũng có "nhiệm vụ" đưa cho cha chiếc túi đựng bữa trưa. Nhưng một buổi sáng, ngoài chiếc túi thức ăn, cô bé còn đưa thêm cho cha một chiếc túi giấy màu nâu. Cái túi đã rách, và được chắp vá bởi những mảnh băng dính cùng những chiếc ghim...

Ngụ ngôn cho mẹ Lượt xem: 1710
16/12/2014 14:21
Nhưng Cyndi không nghĩ đến cái đống bừa bãi ấy, cô bé chỉ cảm thấy rằng mình đã làm được một điều gì đó rất quan trọng. Hôm nay kỷ niệm ngày cưới của bố mẹ và cái bánh này chính là món quà. Cyndi tắt đèn bếp và ngồi trong bóng tối, hoan hỉ chờ...

Đồ cổ Lượt xem: 5056
16/12/2014 11:28
Đồ cổ không chỉ nhiều tuổi, mà còn là một thứ đã tồn tại, hoặc thuộc về thời kì xa xưa... một tác phẩm nghệ thuật chẳng hạn... Đồ cổ rất quý! - Rồi bà đặt quyển từ điển sang một bên - Bao giờ chúng ta cũng phải cẩn thẩn với đồ cổ vì nhiều khi chúng rất có giá trị.

Khi trái đất chuyển động vì bạn! Lượt xem: 1780
16/12/2014 11:26
Và bây giờ, sau vài năm, cô bé đã quay trở lại trường. Trên đôi chân của mình. Không có nạng, không có xe đẩy. Bạn cũng biết đó, đối với một người mà có thể tạo ra cơn động đất ở giữa San Francisco và Oakland thì việc chiến thắng một bệnh tật nhỏ nhoi tầm thường thì quá là đơn giản, phải không các bạn?

Bốn ngón tay Lượt xem: 4070
16/12/2014 11:25
Cậu bé không bao giờ quên hình ảnh "bốn ngón tay thay vì năm". Đối với cậu đó là biểu tượng của niềm hy vọng. Và hễ cứ mỗi khi nhụt chí vì sự khiếm khuyết của mình, cậu lại nhớ đến biểu tượng này để động viên mình. Cậu hiểu ra rằng mẹ cậu đã nói rất đúng. Cậu vẫn có thể tạo được một cuộc sống trọn vẹn và giữ lấy nó chỉ với bốn giác quan mà cậu có được.

Người bạn Lượt xem: 2725
16/12/2014 11:23
Người chủ tiệm mỉm cười và huýt sáo. Từ trong cũi chạy ra chó mẹ Lady cùng với năm cái nắm lông be bé xinh xinh theo sau. Một con chó con cà nhắc chạy cuối cùng. Ngay lập tức, cậu bé chỉ vào con chó nhỏ bị liệt chân đó: "Con chó con này bị làm sao vậy?"...

Món quà quý giá nhất Lượt xem: 2752
07/11/2014 11:09
Tôi không thể nào quên được một ngày hè nắng nóng tháng 7 năm 1965, khi mẹ tôi đột ngột qua đời ở tuổi 36 vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân. Cuối buổi chiều hôm đó, một cảnh sát viên đã đứng trước mặt cha tôi để xin cho bệnh viện được nhận van tim và giác mạc từ đôi mắt của mẹ tôi. Tôi choáng váng hoàn toàn. Các bác sĩ đã muốn cắt rời thân thể mẹ tôi và đem cho người khác, tôi nghĩ như thế khi bỏ chạy vào trong nhà nước mắt đầm đìa.

Hiển thị 71 - 78 tin trong 78 kết quả