01. DÒNG GIỐNG LẠC HỒNG
Cha Rồng gặp Mẹ chốn Đào nguyên
Dòng giống Việt Nam tỏa mọi miền
Kẻ ngược lên non cầu hạnh phúc
Người xuôi xuống bể nguyện bình yên
Bàn tay gầy dựng xây cơ nghiệp
Khối óc đắp vun tạo móng nền
Đoàn kết cho ta nguồn sức mạnh
"Đồng bào"–Hai tiếng gọi thiêng liêng.
25/10/2005
02. CÁC VUA HÙNG (2879-208 TCN)
Tiếng gọi thiêng liêng mãi vọng xa
Hùng Vương dấy nghiệp dựng sơn hà
Trống đồng giục chí trai anh tuấn
Chim Lạc khơi lòng gái vị tha
Thánh Gióng trao cho gương dũng cảm
Lang Liêu truyền lại đức khoan hòa
Non sông gấm vóc ơn Tiên Tổ.
Mười tám đời vua, vẹn khúc ca.
26/10/2005
03. TRUYỀN THUYẾT CỔ LOA (208–179 TCN)
Khúc ca bi tráng ngất mây xanh
Truyền thuyết Cổ Loa kể ngọn ngành
Thục Phán chủ quan, chôn đế nghiệp
Triệu Đà hiểm độc, chiếm kinh thành
Mỵ Châu lầm lỡ, oan mà tiếc
Trọng Thủy gian ngoan, thác đã đành
Cao Lỗ tướng quân đời tuấn kiệt
Minh quân không gặp, uổng tài danh.
26/10/2005
04. THI SÁCH–TRƯNG VƯƠNG (?–43)
Tài danh Thi Sách đất Chu Diên
Trưng Trắc–Mê Linh, đẹp lại hiền
Hợp nhất nhân tài mưu sự cả
Nhân đôi thế lực đợi cơ duyên
Hung tin phu tướng lâm tai ách
Phẫn chí quần thoa phát hịch truyền
Hiệu triệu muôn người chung ý chí
Rợp cờ nương tử khắp trăm miền.
27/10/2005
05. Bà TRIỆU THỊ TRINH (225–248)
Trăm miền nức tiếng Triệu Trinh Nương
Xông trận cưỡi voi, khỏe lạ thường
“Đạp lớp sóng cao”, lui tướng mạnh
“Cưỡi cơn gió lớn”, chém binh cường (1)
“Đối đầu mãnh hổ, không nao núng”
“Giáp mặt Vương Bà, khó đảm đương” (2)
Chấn động Giao Châu, Ngô khiếp đảm
Trời Nam liệt nữ, sáng ngời gương.
28/10/2005
06. LÝ NAM ĐẾ (503–548)
Sáng ngời gương thủ lĩnh Long Hưng
Lý Bí khởi binh chống giặc Lương
Nam Đế tiền triều, chia quốc thổ
Vạn Xuân khai quốc, vạch biên cương
Định Đô đánh thức lòng kiêu dũng
Đúc bạc nêu cao chí tự cường
Khẳng định tự do và độc lập
Nước non vạn thuở nhớ công ơn.
28/10/2005
07. TRIỆU QUANG PHỤC (–571)
Ơn Triệu Việt Vương giỏi cuộc cờ
Về miền sông nước đợi thời cơ
Đồng thời tập kích, lo lương thảo
Kết hợp tăng gia, lập trận đồ
Lợi dụng địa hình vùng Dạ Trạch
Phát huy nguồn lực đất Màn Trò
Trường kỳ cầm cự tiêu hao địch
Chuyển hướng dụng binh, lợi bất ngờ.
29/10/2005
08. MAI THÚC LOAN (? – 722)
Bất ngờ dấy nghĩa ở Châu Hoan
Hắc Đế mồ côi, khó đủ đàng
Đô vật lừng danh vang mấy phủ
Thợ săn nổi tiếng nhất trong làng
Võ công trăm trận ghi bia đá
Uy đức một phương khắc sử vàng
Sở Khách tháo lui, Đường bạt vía
Vải thiều lệ cống, dứt đường sang.
29/10/2005
09. PHÙNG HƯNG (760–802)
Sang đất Đường Lâm, cứ một phương
Có nhà hào trưởng, gọi Phùng Hưng
Quật trâu dùng sức, tài kỳ tuyệt
Đả hổ lập mưu, giỏi dị thường
Năm đạo quân hùng vây quyết liệt
Một đời tướng giặc chết bi thương
Thác còn linh hiển phò dân nước
Bố Cái Đại Vương–Chí quật cường.
30/10/2005
10. HỌ KHÚC GIÀNH ĐỘC LẬP (905–930)
Quật cường họ Khúc tiếp cha ông
Khôi phục chủ quyền của núi sông
Giữa lúc loạn phân, giành độc lập
Nhân thời tranh chấp, cứu non sông
Ngoại giao linh hoạt, thừa mềm mỏng
Ứng xử khoan hòa, đủ khéo khôn
Xóa bỏ chính quyền đô hộ địch
Hai lăm năm lẻ, sử ghi công.
30/10/2005
11. DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ (?–937)
Công Dương Đình Nghệ tụ nhân tài
Võ nghệ tập rèn nuôi chí trai
Hiền tế Ngô Quyền coi phủ nội
Trọng thần Công Trứ trấn bên ngoài
Khắc Trinh bỏ mạng, quân tan vỡ
Lý Tiến rút lui, ngựa chạy dài
Trần Bảo viện binh vừa kịp tới
Không còn mảnh giáp khoác trên vai.
09/11/2005
12. NGÔ QUYỀN (897–944)
Vai vế Ngô Quyền sách đã tuyên
Khôi ngô, hội đủ: dũng–uy–hiền
Tấm thân tráng kiện, chăm mài dũa
Trí tuệ cao minh, chịu luyện rèn
Chiến trận oai hùng, bia đá tạc
Võ công trác tuyệt, sử son truyền
Bạch Đằng đỏ máu quân Nam Hán
Con cháu muôn đời vẫn nhắc tên.
30/10/2005
13. ĐINH TIÊN HOÀNG ĐẾ (968-979)
Tên Vạn Thắng Vương rạng sử xanh
Cờ lau thuở nhỏ hãm vây thành
Lê Hoàn, Khuông Việt theo phò tá
Nguyễn Bặc, Đinh Điền kết tử sanh
Phạm Hạp tin yêu tài kiệt xuất
Lưu Cơ cảm phục trí tinh anh
Đại Cồ Việt đặt–tôn vinh nước
Đại Thắng Minh Hoàng Đế, xứng danh.
31/10/2005
14. Thái hậu DƯƠNG VÂN NGA
Danh thơm Dương Hậu tấm gương soi
Sắc đẹp, tài hoa, sáng cõi đời
Nhiếp chính vững vàng, ân đức tỏa
Nhường ngôi cao cả, nghĩa nhân ngời
Hy sinh dòng tộc vì sống núi
Ký thác con côi bởi đất trời
Sử sách ghi tên người nữ kiệt
Lưu truyền hậu thế, triệu người noi.
01/11/2005
15. LÊ ĐẠI HÀNH (941-1005)
Noi chí Lê Hoàn đất Thọ Xuân
Theo Đinh Bộ Lĩnh, nhuốm phong trần
Cầm quân mưu lược, thừa uy dũng
Trị quốc anh minh, đủ đức ân
Thủy bộ hai đường, kinh vía giặc
Trong ngoài bốn cõi, đẹp lòng dân
Chi Lăng chận địch ghi kỳ tích,
Cùng Bạch Đằng giang dựng sóng thần. (3)
01/11/2005
16. LÝ THÁI TỔ (1010-1028)
Thần Long báo mộng gặp cơ may
Đón rước Đế vương đến chốn này
Chùa Phật tịnh tâm, nuôi chí lớn
Mõ chùa tĩnh trí, báo ơn dày
“Sơn hà” vững chãi, tài thu xếp
“Xã tắc” vinh quang, giỏi sắp bày
Xuống chiếu dời Đô đầy khát vọng
Thăng Long vận nước hóa rồng bay. (4)
02/11/2005
17. LÝ THƯỜNG KIỆT (1019–1105)
Thăng Long vận nước hóa rồng bay
Khí phách hào hùng sáng đến nay
“Sông núi nước Nam đà định sẵn”
Cõi bờ phương Bắc đã phân bày
Chiến công Ung Quảng, thù phơi xác
Phòng tuyến sông Cầu, giặc bỏ thây
Đanh thép lời thơ ngời chí khí
Tuyên ngôn nước Việt có từ đây. (5)
03/11/2005
18. Thái úy TÔ HIẾN THÀNH (?–1179)
Đây văn, đó võ, nặng đôi vai
Thái úy họ Tô, quả thực tài !
Tiến cử hiền thần, tình thuận một
Trợ phò Thái tử, lý xuôi hai
Đà ngang trên mái, mưa khôn thấm
Trụ đá giữa dòng, nắng khó phai
Y Doãn, Chu Công thời chỉ vậy
Trung thần thuở ấy, hỏi còn ai ? (6)
09/11/2005
19. Nguyên phi Ỷ LAN (?–1179)
Hỏi còn ai gánh vác giang san ?
Vương hậu Ỷ Lan–lựa chọn “vàng”
Sắc đẹp vun bồi nên quyến rũ
Tài năng chất đắp sớm khôn ngoan
Cầm quân đánh giặc, Vua lo lắng
Nhiếp chính yên dân, Hậu đảm đang
Tài–sắc–đức–uy cùng hội tụ
Ngàn dâu còn vẳng tiếng hò khoan.
09/11/2005
20. Thái sư TRẦN THỦ ĐỘ (1194–1264)
”Khoan ! Cái đầu thần chửa có rơi
Tâu xin bệ hạ hãy tin lời” (7)
Quan dân nhất trí, nan không thoái
Tướng sĩ đồng tâm, thác chẳng rời
Cột trụ sơn hà–tôi bạc nén
Móng nền xã tắc–đúc vàng thoi
Công đầu thắng giặc Nguyên hung ác
Ca ngợi Thái Sư khó dụng lời.
04/11/2005
21. HƯNG ĐẠO VƯƠNG (1232–1300)
Lời văn Hịch Tướng Sĩ âm vang
Tiết Chế Quốc Công dẫn rõ ràng
Báo quốc, hiền thần đương bạo ác
Trung quân, nghĩa sĩ đối hèn gian
Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn dội
Tây Kết, Bạch Đằng, Vạn Kiếp ran
Âu-Á, Nguyên Mông tung vó ngựa
Phải thua nước Việt, nhỏ mà gan.
05/11/2005
22. PHẠM NGŨ LÃO (1255–1320)
Gan vàng, dạ ngọc quyết xông pha
Trai tráng xả thân báo nước nhà
Trên dưới, Vương gia dò cặn kẽ,
Trước sau, Ngũ Lão đáp sâu xa.
Cầm quân tướng giỏi, mưu lừa thế
Đối trận quân tinh, sức mượn đà
“Ly loạn, anh hùng không góp sức
Thẹn tai nghe chuyện Võ Hầu gia” ! (8)
06/11/2005
23. TRẦN BÌNH TRỌNG (1259–1285)
Gia binh, tướng sĩ thảy đều ưa
Bình Trọng trí mưu, dũng khí thừa
“Thà quỷ nước Nam, bừng đuốc sáng
Hơn Vương đất Bắc, vấy bùn nhơ” (9)
Khảo tra, dọa dẫm, mua cay cú
Mua chuộc, dỗ dành, chuốc chát chua
Thương xót tấm gương ngời khí tiết
Vua tôi trên dưới lệ như mưa.
07/11/2005
24. TRẦN QUỐC TOẢN
Mưa nắng Bình Than đã mấy ngày
Quả cam bóp nát vẫn không hay
“Phá tan cường địch”, tim thiêu đốt
“Báo đáp hoàng ân”, óc tỏ bày
Tập hợp dưới cờ, dùi trống thúc
Kêu mời trong trướng, ngọn cờ bay
Tướng quân tuổi nhỏ, công nào nhỏ
Góp sức mỗi người một cánh tay.
07/11/2005
25. LÊ LỢI – NGUYỄN TRÃI (1385–1433) và (1380–1442)
Một cánh tay vươn giữa núi rừng
Họ Lê dấy nghĩa chốn Lam Sơn
Yên nhà, "đạo nghĩa thay hung ác"
Cứu nước, "chí nhân thắng bạo cường" (10)
Dùng ít địch nhiều, tùy tiến thủ
Lấy nhàn chọi mỏi, biết nhu cương
Quân sư Nguyễn Trãi nhiều mưu lược,
Lê Lợi anh hùng–nức bốn phương.
07/11/2005
26. Vua LÊ THÁNH TÔNG (1460-1497)
Nức bốn phương trời vua với tôi
Tao đàn hai tám ánh sao ngời
Thơ văn trác tuyệt, nồng hương thế
Học vấn cao thâm, thắm vị đời
Chấn chỉnh quan quyền theo phép tắc
Sửa sang luật lệ đúng cơ ngơi
Đất đai khai khẩn làm nền tảng
Thịnh trị thái bình đến thế thôi.
07/11/2005
27. TRỊNH–NGUYỄN PHÂN TRANH (1767-1788)
Đến thế thôi thì thật chán chê !
Phân tranh Trịnh–Nguyễn, nỗi ê chề
Vua Lê hèn hạ ôm hùm tới
Chúa Nguyễn nhuốc nhơ cõng rắn về
Miệng thế đau lòng, trơ mắt ếch
Lưỡi đời xấu hổ, tẽn râu dê
Bao giờ vận nước sang trang nhỉ ?
Trống trận Tây Sơn rộn bốn bề.
07/11/2005
28. Hoàng đế QUANG TRUNG (1788-1792)
Rộn bốn bề hồi trống thúc quân
Theo chân Nguyễn Huệ, bước phong vân
Ngọn cờ độc lập ngời nhân ái
Nguồn sáng tự cường chói nghĩa ân
Xoài Mút, Rạch Gầm, xua tháng giá
Đống Đa, Tam Điệp, đón mùa xuân
Quang Trung đức độ, tài năng thế
Có một không hai dưới cõi trần. (11)
08/11/2005
29. ĐÔ ĐỐC BÙI THỊ XUÂN (?–1802)
Dưới cõi trần, thân gái vẫy vùng
Hiên ngang, bất khuất, rất kiên trung
Cưỡi voi xông trận, so gươm giáo
Lên ngựa công đồn, đọ kiếm cung
Kính phục tấm gương người quả cảm
Tiếc thương danh sáng nữ anh hùng
Tây Sơn, Bình Định như còn tích
Yếm lụa, quần thoa cũng lẫy lừng.
09/11/2005
30. THỜI NHIỆM–TRẦN THƯỜNG
Lẫy lừng như Chiến Quốc–Xuân Thu !
Thời thế nhiễu nhương, bạn hóa thù
Ra đối, Trần Thường lên mặt Cáo
Đáp lời, Thời Nhiệm ngẩng đầu Sư
Thất thời, khảng khái, thua còn sáng
Thuận thế, vênh vang, thắng đã mù
Khanh tướng, công hầu mà nhục nhã
Trần ai, ai thấu tận: hiền–ngu ? (12)
09/11/2005
31. NGUYỄN TRI PHƯƠNG (1800–1873)
Hiền–ngu, phải–trái, lẽ phân minh
Thành–bại, thắng–thua, cốt hết mình
Vua chúa ươn hèn, lười chiến đấu
Triều thần bạc nhược, ngại hy sinh
Hiên ngang đối trận, dồn căm phẫn
Quả cảm xông pha, dốc nhiệt tình
Nhịn uống, nhịn ăn, thà tử tiết
Giữ gìn khí phách vẹn trung trinh. (13)
10/11/2005
32. TRƯƠNG ĐỊNH (1821–1864)
Vẹn trung trinh, Đại Soái Bình Tây
Chiêu tập dân quê, những thợ cày
Chối bỏ lợi danh, lòng khoáng đạt
Coi thường tước lộc, chí cao dày
Quân binh non nớt, không sờn dạ,
Vũ khí sơ sài, há núng tay !
Tập kích, công đồn, tiêu diệt giặc
Hy sinh anh dũng giữa trùng vây.
10/11/2005
33. HOÀNG DIỆU (1829–1882)
Giữa trùng vây giặc vẫn kiên gan
Tổng đốc Hà–Ninh đứng vững vàng
Đôn đốc quân dân tăng chí khí
Hô hào tướng sĩ bớt hoang mang
Triều đình bất lực, không nao núng
Tự Đức yếu hèn, khỏi thở than
Di biểu một tờ “dòng lệ máu”
Lẻ loi tuẫn tiết–Chết hiên ngang.
10/11/2005
34. NGUYỄN TRUNG TRỰC (1838–1868)
Hiên ngang đánh địch dọc trên sông
Thống lãnh Nguyễn Trung Trực dốc lòng
Nhật Tảo thiêu tàu, ghi chiến tích
Kiên Giang phá lũy, lập kỳ công
Hà Tiên, Rạch Giá, đừng quên cửa
Phú Quốc, Hòn Chông, gắng nhớ dòng
“Đất nước Việt Nam còn cỏ mọc
Thì còn hào khí của non sông”. (14)
11/11/2005
35. TÔN THẤT THUYẾT (1839–1913)
Non sông ghi nhớ một vì sao
Binh Bộ Thượng Thư nhiệt huyết trào
Củng cố chủ quyền, khoe vũ dũng
Giữ gìn độc lập, lập công lao
Tây Đông xuôi ngược, mòn binh giáp
Nam Bắc vào ra, bạc chiến bào
Chỉ tiếc triều đình nhu nhược quá
Một tay khó với tận trời cao !
11/11/2005
36. NGUYỄN THIỆN THUẬT (1844–1926)
Cao xanh khó thấu hiểu dân tình
Hòa ước oái oăm ký, bãi binh
Tự Đức ươn hèn ban sắc chỉ
Tán quân quả cảm chẳng lai kinh
Hai Sông lợi dụng nguồn nhân kiệt
Bãi Sậy dựa kề thế địa linh
Nước mất còn ham chi tước lộc
Thà rằng quyết chiến dẫu hy sinh !
11/11/2005
37. ĐINH CÔNG TRÁNG (1842–1887)
Sinh lúc nước non gặp lửa binh
Lập nên chiến lũy thép Ba Đình
Trại Cần, Kẻ Sở, bày mưu kế
Kẻ Bưởi, Làng Thong, dựng địa hình
Hố đất, hầm chông, săn dã thú
Gậy tre, mã tấu, chém nghê kình
Ba làng cứ điểm vùng chiêm trũng
Thành nấm mồ chôn giặc viễn chinh.
12/11/2005
38. PHAN ĐÌNH PHÙNG (1847–1895)
Chinh chiến nào đâu giống việc quan
Tâm can căm hận lũ tham tàn
Gom công, góp của, xây thành đất
Dốc trí, dồn tâm, đúc súng gang
Quân thứ phân chia, trên đỡ dưới
Bố phòng sắp xếp, dọc dòm ngang
Hương Khê kháng chiến mười năm chẵn
Tán lý Đình nguyên thiệt giỏi giang.
12/11/2005
39. HOÀNG TÁ VIÊM
Giỏi giang, dòng thế phiệt trâm anh
Nệm ấm, chăn êm, được học hành
Án sát, Lang trung, trừ diệt phỉ
Biện tranh, Thống đốc, tấn công thành
Văn quan đảm trách, không bê trễ
Võ tướng hoàn thành, cũng gọn nhanh
Hai thập niên liền mang trọng trách
Căm thù xâm lược thấu trời xanh.
12/11/2005
40. HOÀNG HOA THÁM (1851–1913)
Căm thù xâm lược thấu trời xanh
Yên Thế dựng nên một lũy thành
Chận giặc Đồng Hom, mưu mẹo khéo
Chống càn Hàm Lợn, tính toan rành
Hành binh thông thạo, nhàn mà lợi
Chiến thuật tài tình, ít vẫn nhanh
Linh hoạt tiêu hao sinh lực địch
Ba mươi năm lẻ sử nêu danh.
13/11/2005
41. PHAN BỘI CHÂU (1867–1940)
Danh tiếng loan truyền Phan Bội Châu
Thông minh, học giỏi, chiếm ngôi đầu
“Trùng Quang tâm sử”, ôn truyền thống
“Hải ngoại huyết thư”, nối nhịp cầu
Hội kín nọ–Văn minh vận động
Đông Du kia–Hạnh phúc mưu cầu
Một nhà cách mạng, tầm nhìn rộng
Một sáng tác gia, hiểu biết sâu.
13/11/2005
42. PHAN CHU TRINH (1872–1926)
Sâu thẳm tình yêu nước sắt son
“Chấn hưng dân khí, tính vuông tròn
Dân sinh cải thiện, điều thua được
Dân trí mở mang, việc sống còn
Độc lập khoan khoan, dần liệu tính
Tự cường gấp gấp, sớm lo toan” (15)
Cải lương, đường lối tuy chưa chín
Tâm nguyện vì dân cũng dốc mòn.
14/11/2005
Chú thích:
(1) Câu nói bất hủ của Bà Triệu: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá kình ở biển đông, quét sạch quân thù khỏi bờ cõi, chứ không thèm khom lưng làm tỳ thiếp người”.
(2) Câu truyền miệng của Quân tướng nhà Hán tỏ nỗi sợ khi đối trận với Bà Triệu: “Hoành qua đương hổ dị, đối địch Vương Bà nan”.
(3) Được tin quân Tống tiến vào xâm lược nước ta bằng cả hai đường thủy và bộ, Lê Hoàn chủ động bố trí chận đánh địch lập nên kỳ tích Chi Lăng lần đầu tiên và tái hiện chiến thắng Bạch đằng lần thứ 2 trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
(4) Khi Lý Công Uẩn sinh ra thì mẹ chết, tương truyền Thần Long báo mộng cho sư trụ trì chùa ra mang về nuôi. Ngay khi sinh ra ở 2 bàn tay của ông đã có 4 chư “sơn hà” và “xã tắc”.
(5) Bài thơ của Lý Thường Kiệt được xem như Tuyên Ngôn Độc Lập lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
(6) Khi được Thái hậu hỏi ý kiến, Tô Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá làm tướng quốc thay cho mình chứ không phải là Võ Tán Đường, người bạn chung thủy luôn túc trực bên giường bệnh của ông. Khi vua Lý Anh Tông mất giao cho Tô Hiến Thành giúp đỡ Đông cung thái tử Long Trát (lúc đó mới 3 tuổi). Nhiều lần Thái hậu khuyên dỗ quan Thái úy phế Long Trát để lập Long Xưởng, nhưng không lay chuyển nổi ý chí của ông.
(7) Nguyên văn câu nói của Thái sư Trần Thủ Độ: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.
(8) Dịch bài thơ của Phạm Ngũ Lão:
Vung giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu
Làm trai ví chẳng nên công trạng
Luống thẹn tai nghe chuyện Võ Hầu”
Võ Hầu tức Võ Hương hầu Gia Cát Lượng, nhân vật huyền thoại nhiều mưu lược, phò Lưu Bị thời Tam Quốc.
(9) Nguyên văn câu Trần Bình Trọng trả lời Thoát Hoan khi giặc muốn dụ ông ra hàng: “Ninh vi Nam quỷ, Bất vi Bắc vương”.
(10) Ý trong bài Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi: “Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
(11) Nhà Tây Sơn kéo dài 24 năm 1778-1802
(12) Khi bắt được Ngô Thời Nhiệm (theo Tây Sơn), Đặng Trần Thường (theo Gia Long) tự đắc đọc:
- Ai công hầu, ai khanh tương, trong trần ai, ai dễ biết ai.
Ngô Thời Nhiệm khảng khái đáp
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
(13) Hết lòng kháng chiến chống Pháp, bị thương và bị giặc bắt, Nguyễn Tri Phương tỏ thái độ bất hợp tác, không chịu ăn uống và chữa trị vết thương. Khi biết mình không còn sống nổi nữa, ông nhờ người tắm rửa sạch sẽ rồi bình thản đi vào cõi chết, để lại lòng kính phục, thương tiếc cho hàng triệu người Việt nam yêu nước.
(14) Nguyên văn câu nói bất hủ của Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ nước Nam hết cỏ thì mới hết người Nam đánh Tây”.
(15) Tóm tắt những quan điểm của cụ Phan Chu Trinh.
Ba thứ lăng nhăng ...
Lượt xem: 13898
21/12/2014 10:24
Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được thứ nào hay thứ ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà !
Bắt được đồng tiền
Lượt xem: 34407
21/12/2014 10:24
Ðầu năm ra cửa được đồng tiền
Nào có cầu đâu, được tự nhiên
Ý hẳn nhà nho sang vận đỏ
Hay là con tạo thử người đen ?
Bệnh
Lượt xem: 28607
21/12/2014 10:23
Thua bạc ra đi với mẹ nhà
Bệnh gì chẳng bệnh, bệnh tiêm la
Vui quá đến nỗi ra người dại
Lỡ bước cho nên nhắm mắt qua
Bợm già (1)
Lượt xem: 25722
21/12/2014 10:22
Thầy thầy tớ tớ, phố xênh xang,
Thoạt nhác trông ra ngỡ cóc vàng.
Kiện hết sở Tuần, vô sở Sứ
Khi thì thầy số, lúc thầy lang.
Bỡn người làm mối
Lượt xem: 15312
21/12/2014 10:21
“Việc bác không xong tôi chết ngay !”
Chết ngay như thế vội vàng thay
Chết riêng dễ một mình anh nhỉ ?
Sống bận ra chi lũ chúng mày !
Bỡn ông ấm Điềm
Lượt xem: 14830
21/12/2014 10:21
Ấm không ra ấm, ấm ra... nồi,
Ấm chạy lăng quăng ấm chẳng ngồi.
Chán cả đồ chuyên cùng chén mẫu
Luộc giò, ninh thịt, lại đồ xôi !
Bỡn tri phủ Xuân Trường
Lượt xem: 19884
21/12/2014 10:20
Tri phủ Xuân Trường được mấy niên
Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên,
Chữ "thôi" chữ "cứu" không phê đến,
Ông chỉ quen phê một chữ tiền
Buồn thi hỏng
Lượt xem: 28334
21/12/2014 10:19
Bụng buồn còn muốn nói năng chi?
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì !
Cái học nhà nho
Lượt xem: 12744
21/12/2014 10:18
Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi .
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi.
Cái khó
Lượt xem: 21871
21/12/2014 10:16
Cái khó theo nhau mãi thế thôi
Có ai, hay chỉ một mình tôi
Bạc đâu ra miệng mà mong được
Tiền chửa vào tay đã hết rồi
Hiển thị 281 - 290 tin trong 2302 kết quả