Chiếc ô tô buýt chật ních người. Nhưng giữa đám người chen chúc ấy vẫn nổi bật lên một vị khách mà thoáng trông cũng biết ngay là đi nhầm xe. Chỗ của ông ta lẽ ra là trong xe cấp cứu mới phải. Vì tay trái ông ta bị buộc treo lên vai bằng một dây vải trắng, đầu thì băng bó chằng chịt, một mắt thì sưng húp lên, còn mắt kia thì thâm tím khắp xung quanh. Một tay bám lấy thanh vịn, ông khách vừa cố xoay xở tìm cách đứng cho thuận tiện, vừa rên rỉ luôn miệng. Thấy vậy, một hành khách đang ngồi tỏ ý thương hại, đứng dậy nhường chỗ cho ông ta.
- Cám ơn ông! - Ông khách mình đầy thương tích rên rỉ nói.
- Ủa! Bác Xenman đấy à? Thế mà tôi không nhận ra! - người khách vừa đứng dậy nhường chỗ kêu lên - Bác bị làm sao thế này? Ðứa nào đánh bác hay sao mà mặt mày thâm tím hết cả lên thế kia?
- Bác Xaraphettin đấy à? Chào bác! Chà, bác hỏi làm gì cho tôi thêm buồn... Cái thân hình tôi nó thế này đã hai tháng nay rồi...
- Rõ khổ! Thế nhưng bác làm sao vậy?
- Lạy Chúa! Xin người thương xót con! Con hoàn toàn kiệt sức mất rồi...
- Thế các đốc-tờ bảo thế nào ạ? Bác bị bệnh gì vậy?
- Ôi dào! Ðốc-tờ mà làm quái gì! Ðốc-tờ cũng chả chữa được bệnh của tôi... Lạy thánh Ala! Sao người lại bắt con chịu cái cực hình như thế này! Mà lại không bắt các kẻ thù của con phải chịu!... Ôi, khắp người tôi đau như dần, đến chân tay cũng không cử động nổi nữa!
- Nhưng dù sao bác cũng phải đi bệnh viện cho đốc-tờ họ khám xem thế nào chứ!
- Bệnh viện gì! Ðến nhà thương điên thì có! Chẳng giấu gì bác, tôi bị mắc một cái bệnh truyền nhiễm!...
Nghe nói thế, Xaraphettin bỗng lùi hẳn người lại.
- Chết! Thế sao bác còn đi ra phố làm gì?
- Chao ôi! Nói thì dễ đấy, nhưng nào có ngồi nhà được cho cam! Tôi bị lây cái bệnh thằng con tôi mất rồi...
- Thế cậu nhà cũng bị ạ?
- Nó còn bị nặng bằng mấy tôi ấy chứ! Bệnh của nó đã thành mãn tính rồi. Tôi bây giờ cũng vậy. Có mỗi cái trường phổ thông mà nó không làm sao tốt nghiệp được! Năm lớp 9 đã bị đúp rồi, lên lớp 10 cũng lại thế nốt! Mà cũng chỉ tại cái trò bóng bánh chết tiệt! Ðã bao nhiêu lần tôi lạy van nó, bảo: "Mày quăng ngay cái trò bóng bánh khốn nạn ấy đi cho tao!" Nhưng nó lại trả lời tôi: "Con không quăng được!". Nó tự huỷ hoại cái thân xác nó thật là ghê gớm. Ðến nỗi tôi với mẹ nó không còn dám nghĩ đến chuyện mong cho nó học giỏi nữa, mà chỉ lo làm sao cứu vãn lấy tính mạng của nó mà thôi! Mỗi lần đi đá bóng về trông nó cứ như vừa đi đánh giặc vậy! Ðội ơn thánh Ala! Bây giờ nó đã bị gãy chân trái rồi, nên không đá bóng được nữa. Thấy nó bị gãy chân, tôi sung sướng quá, vì không thế thì thể nào có ngày nó cũng bị người ta đánh chết. Ôi, xin Chúa hãy tha thứ cho chúng con! Tôi và mẹ nó thường bảo: "Thôi cho nó gãy chân cũng được! Chỉ cốt sao nó thoát khỏi cái bệnh truyền nhiễm ấy mà còn sống là may rồi!" Nhưng từ khi bị gãy chân, nó lại quay sang mê xem đá bóng quá thể! Hôm nào có đá bóng thì có trời mà giữ được nó ở nhà! Ðá ở đâu nó cũng mò đi xem cho bằng được. Ðá ở Ăngcara là nó nhảy đi Ăngcara, đá ở Iđơmia là nó tếch đi Iđơmia! Nhưng cái chuyện nó cứ đi đi về về như con thoi ấy cũng chưa hẳn là nhục! Nhục nhất là mỗi lần đi về trông nó lại phờ phạc không còn ra hồn người nữa! Chân đứng không vững, giọng thì khản đặc lại! Có đến hàng bao nhiêu lần tôi bảo nó, là đừng có la hét như điên ấy cho nó khản tiếng ra. Nhưng nó bảo tôi: "Bố chỉ được cái ngồi nhà mà nói! Bố cứ thử ra sân mà không la hét xem nào!"... Có hôm nó đi xem về thế nào mà đầu vỡ toác ra, còn hôm khác thì mũi bị giập nát và mắt thì sưng húp lên. Giá bảo nó còn đá bóng như hồi xưa mà bị như thế thì khả dĩ còn hiểu được, chứ đằng này nó chỉ xem người ta đá thôi cơ mà!... Nhưng nó lại cãi: "Ai đi xem mà chẳng phải đánh nhau! Bố cứ thử ra đấy mà ngồi im xem nào!" Có lần chúng tôi phải đến bốt cảnh sát để nhận nó về. Những người đi xem đá bóng đánh nhau dữ quá, cảnh sát phải giải tất cả về bốt. Có đến hai lần chúng tôi phải khiêng nó từ xe cấp cứu xuống!
"Trời ơi! Sao con không thương xót lấy cái thân con một chút, mà lại đi huỷ hoại nó thế hở con?", tôi nói với nó như vậy. Nhưng nó bảo rằng tuy cũng biết thế, nhưng nó không làm thế nào được! Nghe nó trả lời như vậy mà tôi thấy điên tiết! Tôi bèn bảo nó: "Thôi được! Hôm nào mày dẫn tao đi với mày để tao xem cái trò bóng bánh của mày nó như thế nào?"
Và thế là tôi đi với nó đến sân vận động Mitkhatpasa. Trận đấu bắt đầu. Lẽ cố nhiên, lúc bắt đầu tôi chưa cổ vũ cho đội nào cả. Ðội nào thắng hay thua đối với tôi cũng thế cả thôi. Tôi cứ ngồi quan sát khán giả và cười một mình. Bất ngờ, có một quả sút vào lưới y như một mũi tên. Cú sút thật là tuyệt vời! Chính mắt tôi được nhìn thấy! Nhưng lão trọng tài ăn gian không cho tính điểm. Tôi tức không chịu được. Thấy mọi người "ê" trọng tài, tôi cũng bắt chước "ê!... ê!..." rõ to. Bỗng tôi nghe thấy có ai bảo trọng tài không cho ăn quả ấy là đúng. "Không đúng! - tôi cãi lại - Quả ấy sút rất đẹp! Nhưng trọng tài ăn gian! Ðúng là lão ta ăn đút lót rồi!" Gã kia bảo tôi: "Ðồ con lợn! Mày có biết có những cú sút như thế nào không hả?" Tôi bảo hắn rằng bố hắn là đồ con lợn thì có! Vì mới đi xem lần đầu, nên tôi đâu có biết tính tình của cái dân ham mê đá bóng. Thế là chưa kịp nói hết câu, tôi đã bị hắn thoi cho một quả bằng trời giáng, ngã quay ra đất. May mà có những người ngồi bên cạnh can được, chứ không thì tôi đã no đòn với thằng cha ấy rồi! Còn ông con tôi thấy tôi bị đánh cũng chả thèm để ý gì cả, cứ mải xem và luôn mồm kêu: "Xem kìa! Sắp tung lưới nữa đây này!"
Kể từ lúc đó, cái đội mà tôi bị ăn đòn vì nó, bỗng trở thành cái đội yêu mến của tôi. Bây giờ mỗi khi bóng đến chân các cầu thủ đội này là tôi không ngồi im được nữa. Tay tôi bắt đầu vung lên, như chuẩn bị đánh nhau vậy. Còn chân thì đá tứ tung không còn biết vào đâu nữa. Giá lúc này bóng mà rơi vào chân tôi, thì có lẽ nó phải bắn tít lên tận mặt trăng chứ chả chơi! Vung vẩy chân thế nào, tôi đá bốp một cái vào giữa lưng cái ông ngồi trước. "Ấy chết, xin lỗi bác!" Tôi vội nói, nhưng ông ta đáp lại với cái giọng của một người hiểu biết: "Không hề gì! Chuyện ấy là thường!". Một lúc sau thì chính tôi lại bị một cú đá vào lưng nảy đom đóm mắt. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng ở trên sân vận động thì không cái gì là không thể xảy ra được!
Những cú đấm, cú đá, cú huých từ bốn phía cứ thế thỉnh thoảng lại giáng vào đầu, vào lưng. Nhưng cũng chẳng ai thèm để ý làm gì! Ấy là lúc mọi người đã ham xem quá mất rồi! Bóng ở tít tận ngoài sân cỏ, mà mình ngồi đây, cứ anh bên cạnh mà sút thật lực. Mà lạ cái lúc ấy cũng chẳng ai thấy đau cả. Sau đó... bác Xaraphettin ạ, đội của tôi lại sút tung lưới một quả nữa, nhưng thằng cha trọng tài lại không cho ăn. Lần này thì tôi không còn nhịn được nữa. "Ðuổi cổ trọng tài ra sân!" Tôi gào lên như điên, không còn biết gì đến xung quanh nữa! Chân tay tôi run cả lên. Bên cạnh tôi là một ông bán nước chanh. Tôi cứ vớ lấy những chai nước của ông ta mà ném vào lão trọng tài. May mà đó là những chai nước chanh, chứ không phải lựu đạn!... Chẳng ai còn buồn nhìn ra sân cỏ nữa, người nào cũng quay sang choảng nhau loạn xạ. Tôi túm được cổ một thằng bé và cứ thế bóp làm nó suýt nghẹt thở. Thật đúng vô tình mình có thể trở thành kẻ giết người là vì thế! Khốn nạn cho thằng bé, nó cứ gào lên, bảo rằng cũng ủng hộ cái đội của tôi. Tôi vừa buông thằng bé ra thì có một thằng cha cao lêu đêu bỗng vật ngửa tôi ra mà đè lấy đè để. Tôi kêu to gọi thằng con tôi, nhưng cái thằng giời đánh còn đang mải nện nhau với lão trọng tài ở trên sân. Tôi gọi cảnh sát, nhưng cảnh sát cũng đang choảng nhau. Cả khán giả lẫn cầu thủ cũng đang đấm đá nhau túi bụi. Thôi được, để tôi hỏi cái thằng cha đang đè lên người tôi xem hắn cổ vũ cho đội nào? Té ra hắn cũng cổ vũ cho đội của tôi! Phải khó khăn lắm tôi mới thoát khỏi đôi chân gọng kìm của hắn, vì hắn ghì tôi chặt quá, sợ để tôi thoát ra thì không tìm được ai để đánh.
Mãi một lúc sau, mọi người mới trở về trật tự, và trận đấu mới lại tiếp tục được. Ðể cổ vũ các đấu thủ, bây giờ, bắt chước mọi người, tôi cũng bắt hét to: "Hoan hô! Hoan hô!" Hét được một lúc thì giọng tôi khản đặc lại. Tôi bèn quay sang gõ vào cái hộp sắt tây của ông ngồi đằng trước. Ông này mang cái hộp đi cũng là để cổ vũ các cầu thủ. Nhưng đến khi trên sân hai cầu thủ bỗng xông vào nhau đấm đá túi bụi, thì cảnh tượng mới thật là hỗn loạn. Tôi bị một thằng cha nào đó tung bổng lên cao. Thú thật, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể bay cao đến thế! Sau đó... sau đó thế nào thì tôi không hay biết gì nữa! Chỉ biết lúc tỉnh lại thì đã thấy mình đang nằm trong nhà thương.
- Thế là suốt từ hôm đó bác vẫn chưa bình phục được? -Xaraphettin hỏi.
- Vâng, vì đến chủ nhật sau tôi lại đến sân vận động. Chả là đội của tôi chơi mà! Làm sao mà ngồi nhà được! Nói thì dễ đấy, nhưng hôm ấy cứ thử ngồi nhà xem có được không? Có mà lấy dây thừng trói chân anh lại, thì anh vẫn cứ chuồn đi được! Ôi, sao mà người tôi đau thế này!...
Bỗng từ cánh tay băng bó của Xenman có một vật gì rơi ra.
- À, cái hộp sắt tây đấy mà! Ðể tôi gõ vào nó khi nào không thể gào được nữa - Xenman cắt nghĩa cho tôi, khi tôi nhặt chiếc hộp đưa cho bác ta.
Ô tô dừng lại, Xenman đứng dậy, rên rỉ nói:
- Thôi chào bác, bác Xaraphettin!
- Không dám, chào bác! Bây giờ bác đến khám đốc-tờ chứ?
- Ấy chết! Trận hôm nay mà bỏ thế nào được! Chà! Lạy Chúa! Chỉ mong sao cho tôi đừng đến muộn!
Bầu trời nức nở
Lượt xem: 3552
16/12/2014 19:40
Hỡi tuổi thơ yêu dấu của ta! Con trai Aliôsa của ta. Ta kêu gọi con hãy làm trọn nghĩa vụ của mình. Con yêu quý, hãy hưởng ứng lời kêu gọi. Hãy tạm rời bỏ những thú vui với bạn bè của mình...
Anh lính Mêmét làng Êmét
Lượt xem: 3543
16/12/2014 19:39
Thôi, thế là vĩnh biệt chuỗi ngày vui vẻ hồn nhiên rong chơi ngoài phố với chiếc áo phanh ngực bay phất phơ theo gió! Tôi phải thay đôi giày ngắn cổ xinh xắn, đánh xi bóng lộn bằng đôi ủng to tướng sực mùi da thô và đeo chiếc dây lưng to bự...
Bao giờ thì cưới
Lượt xem: 3332
16/12/2014 19:36
"Tối nay nhất định mình sẽ hỏi anh ấy. Hoặc là cưới nhau, hoặc là chia tay nhau. Mình chờ đợi thế đủ rồi". - Nàng hạ quyết tâm. Tuy nhiên, nàng không biết phải bắt đầu bằng cách nào. Chả lẽ lại hỏi chàng "bao giờ anh định cưới em?". Ôi, hỏi như thế thì còn gì là lòng tự trọng của người con gái. Không. Nàng chẳng đời nào chịu nhún mình đến thế.
Một trận cười
Lượt xem: 3090
16/12/2014 19:29
Tôi là chủ một công ty. Một hôm, tôi bỗng bốc lên quyết định làm một thực nghiệm do mình nghĩ ra. Thế là tôi liền triệu tập ngay mười mấy nhân viên của mình lại, rồi ra lệnh: "Bây giờ, các anh mỗi người hãy tự chửi rủa, hoặc nói xấu bản thân mình một câu. Tóm lại, các anh được chọn một trong hai cách đó".
Nhu nhược
Lượt xem: 3696
16/12/2014 19:27
Tôi đã xin lỗi cô gia sư vì bài học tàn nhẫn vừa rồi và đưa cho cô cả 80 rúp mà cô đáng được nhận trong sự ngạc nhiên đến tột độ của cô. Cô ngượng nghịu cảm ơn và lui ra. Tôi nhìn theo cô hồi lâu và chợt nghĩ: "Trên đời này làm kẻ mạnh mới dễ làm sao!"...
Đừng quên mua dây thun cho quần đùi nhé!
Lượt xem: 3596
16/12/2014 19:26
Cảm ơn những người đãng trí! Đúng là vì họ mà trên báo chí có những thông báo thế này: "Nhằm mục đích tiết kiệm, đã thải hồi hai chục viên chức khỏi cơ quan như thế như thế. Thay cho họ đã tuyển vào ba trăm người có trọng trách." Chuyện gì cũng xảy ra được cả!
Ông chồng và con vịt
Lượt xem: 3017
16/12/2014 19:21
Bà vợ nhặt lông, rửa sạch, ướp chao, và bỏ lò nướng. Sau buổi trưa, gã nhân tình đến thăm. Trước khi từ giã, hắn hỏi có món gì cho hắn đem đến buổi họp mặt thân hữu của hắn không. Gã háu háu nhìn vào lò thấy con vịt sắp chín tới...
Ngụy biện và tình yêu
Lượt xem: 3199
16/12/2014 19:20
Tôi đang học năm thứ nhất trường Luật. Vài năm nữa, tôi sẽ ra trường hành nghề. Tôi biết rất rõ tầm quan trọng của kiểu người vợ khả dĩ đem lại thành công rực rỡ cho một luật sư. Những luật sư ăn nên làm ra mà tôi đã quan sát, hầu như không trừ một ai, đều có vợ là những phụ nữ đẹp, duyên dáng, thông minh...
Anh Hai Tèo
Lượt xem: 3436
16/12/2014 19:17
Đúng, nhưng đâu phải Tèo suông. Ta là Tèo "mã tấu", tiếng tăm trùm khu Xóm Củi. Ta đến để thanh toán, à không, để trả tiền cho công ty đã giúp ta. Nhưng ta chán lưu manh rồi. Ta nhận ra khác với keo bẫy chuột hoặc máy đánh mèo, thương hiệu của con người phải thay đổi thì đời mới khá. Nhanh lên!
Quà tặng
Lượt xem: 4490
16/12/2014 19:14
Sáng nay, vợ tôi đánh thức tôi bằng những cái vuốt ve kèm theo những lời thì thầm dịu dàng nhất trong vốn từ vựng của cô ấy. Lập tức tôi hiểu rằng có chuyện gì không ổn đây. "Anh yêu, anh có biết hôm nay là ngày gì không?"
Hiển thị 11 - 20 tin trong 47 kết quả