Mẹ tôi đã tặng một món quà khi tôi còn trẻ. Đó không phải là một thứ gì có thể cầm nắm được, nhưng nó đã khắc sâu trong ký ức của tôi.
Ngày đó tôi mới lên sáu. Đó là một sáng thứ bày nóng ngột ngạt năm 1946, mẹ tôi cho anh trai Billy và tôi hay rằng chúng tôi sắp được đi đến bãi biển ở đảo Coney một ngày. Những bức tường của căn hộ chúng tôi ở Nữu Ước này hút nhiệt giống những lò nung gạch, nên tôi vô cùng phấn khởi với tin mừng đó.
Đó là một chuyến đi dài một tiếng đồng hồ trên tàu điện ngầm đến bãi cát trắng mịn như nhung. Bãi biển thật đông người _ hơn một trăm ngàn người khăn gói tụ tập cùng nhau trên bãi cát.
Chúng tôi tiến gần mép nước và trải tấm bạt mang theo. "Không hoàn hảo lắm, nhưng cũng được", mẹ nói. Chúng tôi cởi bỏ áo ngoài chỉ còn lại áo tắm. anh tôi nhào xuống nước. Một người bán kem đi qua với một chiếc thùng thật to trên vai: "Kem đây", người bán kem rao.
Kem, tôi nghĩ, ngay tại đây trên bãi biển! Nhưng giá bao nhiêu nhỉ? Với mẹ, tốt hơn hết là phải biết giá cả trước khi hỏi xin.
Người bán kem đã đi được nửa đường từ dưới bãi lên trên lối đi. Tôi chạy theo sau, len lỏi chạy vòng và chen qua đám đông, hất cả cát. Cuối cùng tôi đã đuổi kịp người bán kem và kéo ống tay áo của ông. "Bao nhiêu một chiếc hả ông". "Kem đặc biệt cho cháu là mười xu". "Mười xu! Trên phố chỉ có 5 xu thôi". "Nhưng đây đâu phải là trên phố, đây là bãi biển mà cháu"
Mẹ chẳng bao giờ tiêu 10 xu cho một que kem. Thất vọng, tôi cúi đầu và bước đi về chỗ tấm bạt của mình. Từng người và từng tấm bạt trên bãi cát đều khác nhau, tuy nhiên mọi người và mọi thứ dường như giống nhau. Có hàng ngàn người đi bộ, chạy, đứng, ngồi, ném những quả bóng. Tôi cố nhìn xuyên qua những khoảng trống giữa họ nhưng tôi không thể nhìn thấy anh tôi và mẹ.
"Nếu con bị lạc," mẹ đã bảo tôi "hãy đi đến chỗ lần cuối cùng chúng ta ngồi với nhau và đợi ở đó"
Chỗ cuối cùng đó là tấm bạt của chúng tôi. Nhưng nó ở đâu? Có ai thấy không? Tôi có thể hỏi người lạ không khi mẹ bảo không bao giờ được làm như thế? Tôi hãi hùng khi nghĩ đến một tình huống thật tồi tệ: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không bao giờ gặp lại mẹ lần nữa? Tôi bắt đầu run rẩy.
Tôi nhìn thấy chiếc cầu thang gỗ phía bên trái, có lẽ chúng tôi đã theo lối đó đi xuống bãi biển. Thế nhưng rồi tôi lại thấy vô khối các cầu thang nằm theo mọi hướng.
Tôi chạy từ tấm bạt này đến tấm bạt khác nước mắt chảy ròng ròng trên má. Đôi chân tôi cháy bỏng vì cát nóng.
Bỗng nhiên tôi thấy mình đang ở trên những bậc thang, tôi quyết định dừng lại. Nhưng những bậc thang cũng nóng như cát vì vậy tôi chạy xuống bóng mát ở bên dưới lối đi bằng gỗ.
Khi tôi đứng ngây như phỗng ở đó, tôi nhớ lại tất cả mọi điều tôi đã từng làm với mẹ, những lần đi lễ nhà thờ, tản bộ trong công viên hoặc lắng nghe radio. Ý nghĩ không bao giờ nhìn thấy mẹ lần nữa đã làm nhói tim tôi. Khi khóc, tôi nghĩ: Mẹ ơi, con hứa sẽ ngoan nếu như mẹ trở về với con.
Thế rồi, tôi thấy mẹ. Mẹ đang nắm tay Billi, mặt cau có và mắt bừng bừng. "Mẹ!" tôi hét vang.
Mẹ dừng lại, vẻ nghiêm nghị, ánh mắt nghiêm khắc bắt đầu dịu đi. Mẹ đã nhìn thấy tôi khi tôi chạy trong nắng nóng, và tôi nhìn thấy nụ cười nở dần trên khuôn mặt mẹ mà tôi không bao giờ quên được _ một nụ cười thuần hậu của sự độ lượng bao dung và mừng rỡ. Tôi ôm chầm lấy mẹ. Nụ cười dường như muốn nói. "Cuối cùng mẹ đã tìm thấy con" . Mẹ như ngập trong hạnh phúc khi dang vòng tay đón lấy tôi đang chạy đến mẹ. Thật xúc động biết bao, thậm chí ngay lúc này, khi nhớ lại nụ cười của mẹ, dù đã quá nhiều năm trôi qua sau đó.
Thế nhưng, từ đó về sau, càng lúc càng hiếm lý do để mẹ cười bởi vì cuộc sống của mẹ không còn tươi sáng khi chúng tôi lớn hơn. Và tôi là một trong những gánh nặng chính mà mẹ phải mang.
Gia đình tôi phải chịu một cú đòn chí mạng. Cha tôi, một tài xế xe tải, từng là một người đàn ông khỏe mạnh, cho đến một ngày, không thể hiểu nổi, cuộc đời cha tôi đã thay đổi. Mẹ trở về nhà và nhìn thấy cha đang ngồi trên ghế, cứng đơ như thể được đúc trong thạch cao. Cha không thể nói hay cử động được. Cha tôi bị mắc chứng bệnh rối loạn tâm lý nặng, và cha đã được đưa vào viện tâm thần, nơi cha đã sống những ngày còn lại của cuộc đời.
Mẹ tôi gây dựng cho tôi và Billy bằng mọi cách tốt nhất mà bà có thể làm, tìm những công việc lặt vặt để kiếm thêm tiền. Vậy mà không có ngày nào tôi không cầu nguyện cho bố tôi hết bệnh trở về. Không có một người cha để nói cho tôi biết tôi là ai, chỉ bảo tôi phải hành động như thế nào và đang kỳ vọng điều gì nơi tôi. Tôi cảm thấy bơ vơ, giống như ngày bị lạc trên bãi biển. Tuy nhiên, lần này, tôi đã lạc lõng nhiều năm trời.
Tôi tìm kiếm hình dáng một người cha và dễ dàng lạc vào trong đám du côn ở khu đông Nữu Ước. Người ta sợ chúng. Chúng có thể đánh nhau vì một lời vô tình hay một cái liếc mắt bóng gió. Chúng ăn cắp nhứng gì chúng muốn. Tôi muốn giống chúng, thế là tôi được chúng thích và chấp nhận.
Một ngày nọ, tôi tót lên một chiếc xe ăn cắp cùng với một gã tên Jimmy, ngày khác tôi đánh lộn với thằng Vinny vì nó không thích tôi "đá lông nheo" với con bồ của nó. Tiếp theo đó, tôi đã hút một điếu cần sa dài chuếnh choáng với một thằng tên Frankie.
Trong khi đó, ở trường, tôi luôn làm giáo viên bực tức. Tôi nói chuyện huyên thuyên. Tôi vẽ lung tung trong lớp. Khi tôi 14 tuổi, một cô giáo đến nhà gặp mẹ tôi: "Em nó không đi học hơn 2 tháng nay rồi".
Mẹ nhìn tôi, nhận ra rằng tôi đã nói dối mẹ mỗi buổi sáng suốt ngần ấy thời gian. Tôi thấy một giọt lệ lớn dần nơi khóe mắt mẹ, nhưng tôi biết mẹ sẽ không khóc. Không thể khóc ở đó, trước mặt một người lạ.
Một ngày không lâu sau đó, tôi đứng trước thềm cửa với mẹ, thấy 2 viên cảnh sát chạy vào khu nhà bên cạnh và dẫn ra một thằng bé tên Pinhead. Nó chỉ mới 16 tuổi nhưng đã tham gia vào vụ cướp. Mẹ nó bước lầm lũi theo sau.
Mẹ gần như rơi lệ khi nhìn người phụ nữ vô phúc ấy. Rồi mẹ thở dài, ngước lên trời và nói như nói với chính mình: "Thượng đế đã quá khắt khe với các bà mẹ, khi ban phát và mang đi những đứa trẻ".
Trong khi tôi là nguyên nhân những đau khổ của mẹ thế mà mẹ chẳng nhận được ở tôi một lời nào xin lỗi. Tôi cũng không chịu rời bỏ con đường của mình. Cuối cùng vì trốn học thường xuyên nên tôi đã nghỉ học ở tuổi 15.
Chẳng bao lâu tôi đã góp cho gia đình số tiền ít ỏi nhận được từ công việc phân phối hoa cho một nhà trồng hoa và tân trang đồ đạc cho một người bán đồ cũ.
Vậy mà, nhiều đêm tôi đã không trở về nhà. Tôi thường xuyên bê trễ công việc. Vài lần tôi say rượu và phá phách nhà cửa. Một người hàng xóm nói với mẹ là tôi dùng hê-rô-in. Nhiều lần, những hành động của tôi làm cho mẹ lo lắng và khổ sở. Vậy mà mẹ luôn ở bên cạnh tôi. "Con hiểu mọi việc hơn mẹ, con có thể làm được tốt hơn". Mẹ nói.
Thế rồi một ngày khi tôi 16 tuổi, tôi đánh lộn và bị bắt. Mẹ đã van nài một người hàng xóm là luật sư can thiệp mà không tốn tiền. Luật sư nói với thẩm phán rằng tôi muốn đăng lính và viên thẩm phán cho qua mọi việc.
Đó là một dịp may cho tôi, vì tôi đã xa rời được môi trường đầy cạm bẫy và bước vào một thế giới của kỷ luật và trách nhiệm hẳn hòi. Suốt ba năm trong quân ngũ, tôi đã có thời gian kiểm điểm lại đời mình, những ý nghĩ của tôi luôn hướng về mẹ.
Cuối cùng, bình minh cũng soi sáng đời tôi, sau khi tôi đã gây ra cho mẹ biết bao nhiêu lần nhói tim_ và quá ít ỏi lần tôi cảm thông với hoàn cảnh thống khổ và sự chịu đựng của mẹ. Những thử thách tàn nhẫn mà mẹ đã đương đầu lại tái hiện trong tôi.
Khi cha tôi rời nhà, hơn cả tôi, mẹ đã phải chịu nỗi cô đơn cùng cực. Không có một vật dụng, tài sản nào trong nhà mà không ghi dấu của cuộc hôn nhân đầy hứa hẹn, chứa đựng những hồi ức của thời son trẻ. Và khi phải lao động cật lực, mẹ vẫn ngẩng cao đầu và truyền đạt cho tôi một nhân sinh quan _ một trăm tia sáng nhỏ đã dẫn lối đi xuyên suốt con đường đời. Mỗi tuần mẹ mang một đống sách từ thư viện về và đọc cho chúng tôi nghe. Mẹ dạy cho chúng tôi những bài học bà đã học được khi trưởng thành trong Thế chiến thứ nhất. Những bài học của mẹ chỉ là những câu nói đơn giản nhưng đầy sâu sắc. "Hãy trung thực, và hãy mặc chiếc áo sạch", mẹ thường nói thế bất cứ khi nào có sự bất đồng nảy sinh. "Sự trung thực sẽ được ghi vào trong cuốn sổ cuối cùng và giá trị nhất trước cửa thiên đàng đấy"
"Và nhớ là" mẹ thêm vào, "họ sẽ luôn luôn nghĩ tốt hơn về con khi con mặc chiếc áo sạch sẽ."
Mẹ không mong muốn gì hơn là tôi và anh tôi trở thành những người đàn ông đàng hoàng và trách nhiệm. Nhưng tôi đã nổi loạn và coi thường những ước mơ của mẹ. Cuối cùng, gần như quá muộn, tôi đã biết xấu hổ.
Nhiều năm trôi qua, tôi lại trở về căn hộ ở Nữu Ước. Tôi biết mình sẽ không sa ngã với những người xấu, dù vậy tôi cũng không dám chắc mình sẽ tiến đến đâu. Mẹ rất lo lắng cho tôi.
Một ngày nọ khi thấy bản thông báo tuyển người của Sở Cứu Hỏa. thành phố Nữu Ước, tôi đã nộp đơn. Nơi tôi ở, việc trở thành một viên chức cảnh sát hay là lính cứu hỏa được ghi dấu như một thành tựu rực rỡ và đầy ý nghĩa của xã hội. Đối với tôi, đó là một cơ hội thực sự bắt đầu trong đời. Tôi tự hỏi không biết mình có đạt được hay không nhưng tôi biết rằng đây là lúc phải cố gắng.
"Chúc con may mắn", mẹ nói, đó là điều mẹ thường nói bất cứ khi nào tôi ra ngoài. Nhưng lần này mẹ thêm vào "Hãy tập trung chú ý, con nhé"
Tôi đã chú ý. Không lâu sau đó tôi được thấy mình trong hội trường của một toà nhà, là một trong nhóm gồm 200 người, chúng tôi giơ tay cao tuyên thệ. Mẹ đang ngồi dưới những dãy ghế phía sau, thỉnh thoảng tôi lại quay ra sau để nháy mắt với mẹ. Mỗi người chúng tôi được bước lên phía trước và nhận phù hiệu.
Khi về chỗ, tôi giơ phù hiệu của mình cho mẹ thấy. Thật là kỳ diệu, nụ cười hạnh phúc mà tôi đã không bao giờ thấy lại từ cái ngày trên bờ biển, giờ đây lại xuất hiện. Nụ cười rạng rỡ đã bao trùm lấy mẹ, xóa tan đi nỗi buồn đau, và lần này nó nói rằng "Cuối cùng, con đã tìm thấy được chính mình". Vào cái giây phút ấy trông mẹ như thể chưa hề biết đến thất vọng trong đời.
Từ đó về sau còn có thật nhiều ngày hạnh phúc cho mẹ, đó là ngày anh tôi tốt nghiệp đại học, tôi nhận bằng tốt nghiệp, sự ra đời của những đứa cháu. Nhưng tôi vẫn không bao giờ thấy được nụ cười đó nữa, tôi nghĩ rằng mình biết lý do tại sao.
Khi mẹ ngồi ở hàng ghế khán giả vào ngày tôi được bổ nhiệm vào đội cứu hỏa, mẹ biết rằng, cuối cùng tôi đã bước hẳn vào đời, với những bước đi vững chắc. Đó là một nụ cười dành cho cả cuộc đời, nụ cười đó đã nói: "Sứ mệnh của mẹ cuối cùng đã hoàn thành".
Mẹ đã làm tất cả cho con chưa?
Lượt xem: 5225
16/12/2014 15:46
Mẹ nôn nóng cho con được nhận thức thế giới, học hỏi và trưởng thành, nhưng mẹ cũng lo lắng vì sẽ có nhiều người mà con phải chạm trán, đương đầu. Mẹ nôn nao một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra trước mắt con nhưng cũng lo âu rằng con sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những điều khác nữa...
Viết cho con trước ngày sinh
Lượt xem: 8215
16/12/2014 15:45
Hồi hộp lớn theo con mỗi ngày. Con khiến cha mẹ hơn bao giờ hết gần nhau đến tận cùng. Cha biết xót theo cái nhăn mặt của mẹ mỗi khi đi vào chỗ xóc. Cha biết run lên vì hạnh phúc khi thấy nhịp tim con đập vọng ra từ bụng mẹ. 133 lần/phút. Con khiến cha vượt qua những mệt mỏi thường nhật. Cha bắt đầu bỏ thuốc lá. Từng chút một, mỗi ngày...
Ngày tôi trở thành mẹ
Lượt xem: 5066
16/12/2014 15:42
Ngày tôi trở thành mẹ không phải là ngày con gái tôi sinh ra mà là bảy năm sau đó. Trong bảy năm ấy, tôi tối mặt chống chỏi với cuộc hôn nhân mà lúc nào cũng có tiếng chửi rủa. Tôi dồn hết sức lực để tạo nên ngôi nhà "hoàn hảo" - nhằm vượt qua được sự xét nét vào mỗi tối - đến nỗi con gái tôi tới tuổi lẫm chẫm biết đi hồi nào không hay. Tôi đã cố gắng không ngơi nghỉ hầu làm vui lòng ông chồng, để rồi đột nhiên nhận thấy những năm tháng quý báu vùn vụt trôi qua không thể nào lấy lại được nữa...
Tiết kiệm nước
Lượt xem: 5278
16/12/2014 15:41
Một tối thứ Sáu, tôi đang nằm khoan khoái trên giường với cuốn tiểu thuyết trên tay, chợt nghe: vòi nước nhà bếp vừa mở. Rõ ràng có ai đó trong nhà muốn uống nước trước khi đi ngủ. Thường thì âm thanh đó vào tai này sẽ lập tức lọt qua tai kia đi luôn. Nhưng tối nay thì khác. Đã mấy tuần rồi, kể từ khi rao giảng cho hai đứa con về chính sách tiết kiệm - đặc biệt là tiết kiệm điện và nước - tôi rất nhạy cảm với từng chiếc quạt bật lên, mỗi giọt nước rỏ xuống, hay mỗi tiếng giật toa-lét trôi.
Con cảm ơn Mẹ!
Lượt xem: 4079
16/12/2014 15:41
Con cảm ơn mẹ... mẹ đã làm con hiểu được không phải lúc nào nước mắt cũng là hiện thân của sự mềm yếu. Con cảm ơn mẹ... mẹ luôn bắt con phải nhớ nói lời "Cảm ơn", "Xin lỗi". Con cảm ơn mẹ... mẹ đã không ngừng nhắc nhở con rằng đôi khi im lặng là vàng...
Lòng mẹ
Lượt xem: 5698
16/12/2014 15:40
Bế đứa con trai vừa mới chào đời lên, bà mẹ nhè nhẹ đong đưa đôi tay và hát: Thương con mẹ thương con - Yêu con mẹ yêu con - Yêu - suốt một cuộc đời - Ðến ngày con lớn khôn...
Ngậm miệng lại và dang rộng tay ra
Lượt xem: 4614
16/12/2014 15:38
Bạn tôi gọi báo một tin sét đánh: đứa con gái của cô chửa hoang! Cô ấy kể lại cảnh tượng kinh khủng khi đứa con gái thú nhận điều đó với hai vợ chồng cô. Họ đã trách móc, đổ lỗi cho nhau, tất cả xoay quanh nội dung "Làm sao mà chuyện đó lại có thể xảy ra?". Tôi cảm thấy chua xót cho gia đình họ...
Lòng ái quốc
Lượt xem: 4704
16/12/2014 15:37
Đầu bài thi của con sáng nay là: "Tại sao anh yêu xứ sở của anh?". Con đã cảm động về chuyện Chú Lính đánh trống hôm trước, cha chắc chắn con đã làm bài một cách dễ dàng. Tại sao anh yêu xứ sở của anh? Câu hỏi ấy chẳng làm nẩy nở trong óc con biết bao nhiêu là câu trả lời hay sao?
Câu hỏi
Lượt xem: 5332
16/12/2014 15:36
Cuối cùng rồi chúng tôi cũng nhận được cú điện "chờ đợi bấy lâu". Và ngày hôm sau một chú bé tí hon được trao vào tay tôi. Nỗi lo sợ mơ hồ, dai dẳng nọ liền bị chế ngự bởi niềm vui thuần khiết được ôm đứa con trai mới sinh và đặt tên bé là Eric...
Đôi giày mới của Jimmy
Lượt xem: 4746
16/12/2014 15:35
Con trai Jimmy của tôi có đôi mắt xanh như mây trời, mái tóc loăn xoăn và nụ cười rạng rỡ. Hai ngày trước sinh nhật thứ 5 của Jimmy, chồng tôi (biệt danh là Chooch) và tôi đưa Jimmy đi chọn một đôi giày tennis mới...
Hiển thị 11 - 20 tin trong 73 kết quả