“Bão” giá vàng tạm lắng
09/06/2024 06:04
Vàng miếng SJC tiệm cận 75 triệu đồng/lượng, xuống thấp nhất trong 4 tháng
Ngày 6/6, NHNN công bố giá bán vàng miếng SJC là 75,98 triệu đồng/lượng, giảm thêm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 5/6. Như vậy liên tiếp từ đầu tuần NHNN giảm giá bán, mỗi ngày 1 triệu đồng/lượng, tổng cộng giảm 4 triệu đồng trong 4 phiên.
Trước đó, giá vàng SJC còn giữ ở mức giá 90,3 triệu đồng/lượng bán ra vào ngày 30/5, nhưng thông tin NHNN quyết định dừng phương án đấu thầu và giao 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC bán vàng trực tiếp cho dân, giá vàng liên tục giảm...
Đến sáng 6/6, BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank và Công ty SJC công bố giá bán vàng SJC cho khách hàng cá nhân là 76,98 triệu đồng/lượng. Giá bán ra của các ngân hàng và Công ty SJC cho người dân chỉ cao hơn giá mua từ NHNN 1 triệu đồng/lượng. Ngay lập tức, các DN vàng bạc khác như: DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ hay Phú Quý cũng điều chỉnh giảm giá vàng về sát mức bán ra của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.
Như vậy, sau 1 tuần NHNN bán vàng cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn để bán trực tiếp cho dân, giá vàng SJC trên thị trường đã giảm 13,32 triệu đồng/lượng (từ mức 90,3 triệu đồng/lượng xuống còn 76,98 triệu đồng/lượng).
Với mức giá bán ra 76,98 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đang được giao dịch quanh vùng giá thấp nhất kể từ tháng 2/2024 (78 triệu đồng/lượng). Và chỉ cách vùng đáy được thiết lập ngày 8/1/2024 gần 4 triệu đồng/lượng (giá vàng miếng SJC bán ra ngày 8/1 đạt 74 triệu đồng/lượng).
Trái với diễn biến trong nước, giá vàng thế giới sáng 6/6 tăng mạnh lên 2.360 USD/ounce, cao hơn 30 USD so với sáng 5/6. Quy đổi tương đương, vàng thế giới đang ở mức 72,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy mỗi lượng vàng miếng SJC đắt hơn thế giới 5 triệu đồng. Đây là mức chênh lệch thấp nhất giữa vàng miếng SJC với thế giới do động thái bán vàng trực tiếp của NHNN thông qua các ngân hàng thương mại và chính SJC.
Liều thuốc hạ sốt
“Liều thuốc hạ sốt” của NHNN như cách nói của nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước là "đã bước đầu phát huy hiệu quả. “Giá vàng đã giảm từ mức cao ngất ngưởng đến thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giá trong nước và nước ngoài” - ông Trương Văn Phước nhận xét..
Khi giá vàng trong nước giảm, nhiều người dân đã xếp hàng dài chờ mua vàng. Tình trạng người dân đến các điểm bán vàng của các ngân hàng và Công ty SJC rất đông, gây quá tải. Từ đó dẫn đến nhiều khách hàng có nhu cầu nhưng đành phải quay xe ra về vì hết lượt bốc số. Những khách mua được vàng thì cũng mất cả tiếng đồng hồ chờ đợi. Riêng Công ty SJC bán vàng giới hạn mỗi người 1 lượng nên những ai mua nhiều hơn số này sẽ phải quay lại công ty nhiều lần sau đó.
Dù vậy, vàng giảm mạnh liên tục cũng khiến cho những người vội vã mua vàng miếng SJC đối mặt với không ít thiệt thòi. Còn những người đã mua trên 90 triệu đồng/lượng đang đối mặt với thua lỗ 13 - 14 triệu đồng/ lượng nếu bán ra thời điểm này. Rõ ràng những người đã đổ xô đi mua vàng trong thời gian vừa qua, đặc biệt ngay trong những ngày đầu tuần đã lỗ và xu hướng lỗ ngày càng lớn nếu tiếp tục lao vào thị trường này để đầu cơ.
“So với phiên giao dịch cuối tuần trước 1/6, giá vàng SJC bán ra giảm 9 triệu đồng/lượng. Cộng thêm chênh lệch giá mua vào - bán ra, tôi lỗ đến 11 triệu đồng/lượng” - ông Mạnh Quang (ở Thanh Xuân, Hà Nội) nói.
Trong khi đó, nhiều người dân đến mua vàng sáng 6/6 cho biết đã tiết kiệm được đáng kể vì mua chậm. Trên một số diễn đàn đầu tư, nhiều người cũng chia sẻ chuyện lỗ "hụt" khi có ý định tham gia vào thị trường vàng thời gian qua.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, có 2 lý do lớn khiến giá vàng trong nước giảm mạnh. Đầu tiên là việc Chính phủ ban hành lệnh thanh tra tất cả các DN, cơ sở kinh doanh vàng để bảo đảm các thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để ổn định thị trường vàng; thứ hai, thông tin 4 NHNN và Công ty SJC bán vàng trực tiếp cho dân đã tác động mạnh, khiến giá vàng đột ngột giảm mạnh. Trong khi đó, các ngân hàng nhận nhiệm vụ phân phối vàng theo chỉ đạo để bán cho dân, không vì mục tiêu lợi nhuận.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng đánh giá giải pháp này được người dân ủng hộ vì được mua vàng trực tiếp từ ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC.
Chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập kiêm Giám đốc Think Future Consultancy nhận xét, NHNN bán vàng bình ổn để tăng cung, giảm chênh lệch.
Người dân nên thận trọng, nghiên cứu thị trường vàng kỹ càng để tránh thua lỗ đáng tiếc. Người dân có tài sản đầu tư nên chọn các lĩnh vực khác để sinh lời, như sản xuất, kinh doanh, bất động sản… thay vì “đổ hết” vào vàng. Chỉ nên mua vàng như một tài sản cất giữ, phòng ngừa rủi ro. Nhà đầu tư cần tránh tâm lý đám đông.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
"Ai có nhu cầu mua chính đáng như tích trữ, cho tặng có thể đến ngân hàng thương mại mua, rất có thể được giá tốt hơn giá mua ở cửa hàng ngoài. Khi giá bán từ ngân hàng thấp hơn, bên ngoài tự phải giảm giá. Giảm giá chính là bình ổn, mục đích kéo giảm chênh lệch coi như đạt" - ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.
Giá vàng còn giảm
NHNN khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới. Với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, NHNN có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường vàng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững.
"Tất nhiên, giá vàng trong nước còn phụ thuộc vào giá quốc tế. Giá vàng lên hay xuống không dự báo chính xác được nhưng có một điều mức chênh lệch với vàng thế giới đã rút ngắn nhưng vẫn còn cao, với định hướng của NHNN, điều này đồng nghĩa giá vàng trong nước sẽ còn tiếp tục hạ. Việc giá vàng hạ sẽ thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới” - TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Trước đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới từ 2 - 4 triệu đồng/lượng là hợp lý. Nếu theo dự báo của ông Hiển, giá vàng SJC trong nước sẽ giảm về mốc 74 - 75 triệu đồng/lượng, khi giá vàng trên thế giới hiện đang dao động ở ngưỡng 72 triệu đồng/lượng.
Dù cho rằng, NHNN điều tiết giá và bán trực tiếp cho người dân thông qua các ngân hàng sẽ luôn tạo áp lực các cửa hàng vàng phải điều chỉnh giá bán ra theo giá bán ra của ngân hàng. Diễn biến này khiến cho các nhà đầu cơ vàng phải đối diện với rủi ro “bắt dao rơi”, tức thua lỗ sau khi mua nếu thị trường cứ tiếp tục đi xuống, theo đó, tâm lý “hào hứng” với vàng có thể sẽ hạ nhiệt.
Song ông Trương Văn Phước cũng đặt ra khả năng, có ý kiến rằng nếu giá trong nước mà giảm về sát giá thế giới thì có thể mọi người sẽ quay lại đổ dồn mua vàng vì kỳ vọng giá thế giới lên và tâm lý tích trữ vàng. Đây là một loại phản biện chính sách mà NHNN cần có lý giải, hơn thế nữa cũng cần có các phương án xử lý nếu hiện tượng này xảy ra.
Người dân vẫn phải xếp hàng chen lấn lấy số thứ tự để mua vàng và bị giới hạn số lượng cho một lần mua, chứng tỏ nguồn cung chưa thực sự dồi dào và niềm tin vào đồng tiền Việt Nam trong người dân chưa cao. Cần sớm thành lập sàn giao dịch về vàng. Bộ Tài chính cần xem xét cho phép thành lập để các nhà đầu tư có những quyết định phù hợp, tránh sự đầu cơ lớn về vàng nhằm tạo ra sự khan hiếm, đẩy giá cao.
Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe
Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay (10/6), trên thị trường quốc tế đảo chiều tăng so với chốt phiên trước. Người mua vàng giá cao có thể mất hơn chục triệu đồng mỗi lượng.
Kinhtedothi - Trong tuần qua, khi giá vàng trong nước giảm và các ngân hàng thương mại Nhà nước, Công ty SJC bán vàng “bình ổn” cũng là lúc thị trường chứng kiến dòng người ùn ùn xếp hàng đi mua vàng.
Kinhtedothi- Giá vàng thế giới cuối tuần qua giảm mạnh hơn 80 USD/ounce, thủng ngưỡng 2.300 USD/ounce sau thông tin kép từ Mỹ và Trung Quốc. Trong nước, giá vàng miếng được Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại giữ ổn định.
Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay (9/6), trên thị trường quốc tế bất ngờ lao dốc phiên cuối tuần, đánh mất mốc 2.300 USD/ounce. Thị trường trong nước tuần qua cũng liên tục giảm mạnh, SJC mất mốc 80 triệu đồng/lượng.
Kinhtedothi - Nếu không tác động đến quỹ bình ổn thì giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (6/6) được dự báo giảm mạnh từ 550-700 đồng/lít, xăng RON 95 về dưới mốc 22.000 đồng/lít.
Kinhtedothi - Sau 3 ngày (ngày 3-5/6) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai bán vàng miếng SJC trực tiếp tới khách hàng qua kênh ngân hàng, giá vàng đã giảm tới 3 triệu đồng/lượng.
Kinhtedothi - OPEC+ đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày thêm 1 năm cho đến cuối năm 2025, giá xăng dầu thế giới trượt xa khỏi mốc 80 USD/thùng, giảm xuống sát mức thấp nhất trong vòng 4 tháng.
Kinhtedothi - Giá vàng hôm nay (5/6), trên thị trường quốc tế đảo chiều giảm mạnh, sau khi Mỹ công bố thêm những dữ liệu kinh tế tích cực. Giá vàng SJC kéo dài đà lao dốc sau khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.
Kinhtedothi- Ngày 4/6, giá vàng tiếp tục giảm, số người đến các chi nhánh của 4 ngân hàng quốc doanh và SJC để mua vàng miếng tiếp tục đông nhưng không mua được do hết hàng. Trong khi ở các doanh nghiệp vàng khác cũng đều khan hiếm vàng nhẫn.
Kinhtedothi - Do các nhà đầu tư lo ngại quyết định sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể dẫn đến nguồn cung cao hơn, giá xăng dầu thế giới giảm sốc.